Làng Đại học Quốc gia TPHCM ở đâu? Làng Đại học có bao nhiều trường?

Đối với các bạn học sinh, sinh viên, Làng Đại học Quốc gia TP.HCM (làng đại học Thủ Đức) là cái tên không mấy xa lạ. Vậy chính xác Làng Đại học Quốc gia TPHCM ở đâu?

Nội dung chính

Làng đại học Thủ Đức được xem là nơi quen thuộc gắn liền với cuộc sống của nhiều sinh viên. Thực chất danh xưng này bắt nguồn từ việc địa điểm này quy tụ nhiều trường đại học với số lượng sinh viên lớn chiếm phần đông dân cư khu vực.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về khu vực. Thông tin về những trường đại học thành viên của Đại Học Quốc Gia TPHCM.

Làng Đại học Quốc gia TPHCM ở đâu?

- Vị trí: Tp Dĩ An, Bình Dương và một phần Phường Linh Xuân & Linh Tây, Tp Thủ Đức

- Quy mô: 643,7 ha gồm 38 đơn vị cùng 8/9 trường thành viên đại học Quốc Gia TPHCM. Trong đó, có 122,1ha nằm ở TPHCM và 521,6 ha nằm ở Tp Dĩ An Bình Dương.

- Năm thành lập: 1995

- Khu học tập: 219 ha gồm 6 trường đại học, 6 khoa, các viện nghiên cứu và khu công nghệ phần mềm

- Trung tâm điều hành, dịch vụ và thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng 99,29 ha

- Khu công viên cây xanh: 156 ha

- Khu nhà ở công vụ và ký túc xá: 52,64 ha

- Đường giao thông: 82,61 ha & Đất dự trữ 34,13 ha

Làng Đại học Quốc gia TPHCM ở đâu? Làng Đại học có bao nhiều trường? (Hình từ Internet)

Làng Đại học Quốc gia TPHCM có bao nhiều trường?

Dưới đây là những trường Đại học trong Làng Đại học Quốc gia TPHCM:

(1) Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (HCMUT) 

Trường Đại học Bách Khoa là trường đại học đào tạo ngành kỹ thuật hàng đầu tại miền Nam Việt Nam, trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Với hai cơ sở ở nội thành và ngoại thành, Đại học Bách Khoa là trường đại học có diện tích lớn nhất tại TP.HCM.

Trong đó cơ sở nội thành là cơ sở chính có diện tích 14,2 ha nằm ở 268 Lý Thường Kiệt, quận 10, TP. HCM. Cơ sở ngoại thành với diện tích 26 ha nằm ở Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đại học Bách khoa hiện có nhiều mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu kỹ thuật. Đối với liên kết quốc tế, hiện nay trường đã hợp tác với hơn 70 trường đại học và viện nghiên cứu ở nhiều quốc gia.

(2) Trường Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL)

Trường Đại học Kinh tế – Luật (Khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia TP.HCM) được thành lập vào ngày 6/11/2000. Trường hiện có hai trụ sở, cơ sở chính nằm ở khu phố 3, phường Linh Xuân. Cơ sở 2 nằm ở khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực Kinh tế – Luật. Bên cạnh đó, trường còn liên kết với một số trường và tổ chức ở ngoài nước.

(3) Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM (UIT)

Tuy thành lập muộn hơn so với các trường đại học khác nhưng UIT đã sớm khẳng định được vị thế của mình. Trường đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Trường có đội ngũ giảng viên trình độ cao tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước.

Ngay khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế. Các bạn sinh viên sẽ có cơ hội ứng tuyển vào các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. UIT rất chú trọng đào tạo Tiếng Anh với chương trình học chuẩn quốc tế. Từ đó giúp sinh viên thành thạo tiếng Anh khi ra trường.

(4) Trường Đại học Quốc tế TP.HCM (IU)

Trường Đại học Quốc Tế TP.HCM (IU) được thành lập vào năm 2003, thuộc Đại học Quốc Gia TP.HCM. Đây cũng là trường Đại học công lập đầu tiên của Việt Nam sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy và nghiên cứu. Đại học Quốc Tế nằm ở làng Đại Học thuộc quận Thủ Đức. Nơi đây đào tạo rất nhiều ngành mũi nhọn của đất nước như Kinh tế, Quản lý kỹ thuật, Công nghệ…

(5) Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (US)

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được thành lập vào năm 1996. Trường là một trong những cơ sở đào tạo ngành khoa học cho thế hệ trẻ của đất nước. Hai lĩnh vực chính của trường là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. US hiện có 2 cơ sở nằm cạnh quận 5 và nằm tại làng Đại học Thủ Đức. 

(6) Trường Đại học Khoa học Sức khỏe

Trường Đại học Khoa học Sức khỏe là một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học khối ngành khoa học sức khỏe và là trường đại học thành viên thứ 8 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đào tạo theo mô hình Trường học – Bệnh viện. Nơi đây có sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, trường còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Từ đó giúp sinh viên có cơ hội học tập và thực hành ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Phân biệt giữa trường đại học và đại học tại Việt Nam?

Căn cứ tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.
2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

...

Như vậy, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành, còn đại học là cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực, các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Về cơ cấu tổ chức:

Theo Điều 14 và Điều 15 Luật giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định:

- Cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm:

+ Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (sau đây gọi chung là hội đồng trường);

+ Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (sau đây gọi chung là hiệu trưởng trường đại học); phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (sau đây gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học);

+ Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có);

+ Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác;

+ Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.

- Cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm:

+ Hội đồng đại học;

+ Giám đốc đại học; phó giám đốc đại học;

+ Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có);

+ Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác;

+ Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học.

Về nhiệm vụ và quyền hạn:

Căn cứ theo Điều 28 và Điều 29 Luật giáo dục đại học 2012 (được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Khoản 2 Điều 2 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018) quy định:

- Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học:

+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học.

+ Triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

+ Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.

+ Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.

+ Quản lý người học; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục.

+ Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.

+ Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

+ Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.

+ Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.

+ Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.

+ Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của đại học:

+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đại học;

+ Quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động đào tạo của đại học;

+ Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, chia sẻ tài nguyên và cơ sở vật chất dùng chung trong đại học;

+ Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở theo quy định;

+ Được chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức bộ máy;

+ Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

saved-content
unsaved-content
371