Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao được thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao được thực hiện như thế nào?
Xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao được quy định tại Điều 8 Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016, cụ thể:
(1) Người có một trong những vi phạm sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Cố ý gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
- Cố ý để vợ (chồng), bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của mình tham gia bào chữa hoặc tư vấn đối với những vụ, việc được phân công chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết;
- Không thực hiện yêu cầu phối hợp công tác của đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến công việc được giao khi đã được lãnh đạo cơ quan, đơn vị đồng ý mà không có lý do chính đáng;
- Không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc bỏ vị trí công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng;
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ, việc mình có trách nhiệm giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tại địa điểm, thời gian không đúng quy định;
- Vi phạm các quy định khác của pháp luật, quy chế, quy định của Ngành về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
(2) Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc hạ bậc lương:
- Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, đơn vị để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;
- Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác tham mưu, đề xuất với người có thẩm quyền ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cấp dưới trái quy định;
- Lợi dụng danh nghĩa, phương tiện của cơ quan, trụ sở làm việc nơi mình công tác hoặc phụ trách để bao che, giúp sức cho người vi phạm pháp luật;
- Vi phạm một trong những quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
(3) Người có một trong những vi phạm sau đây thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc:
-Nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc hoặc để chỉ đạo, giải quyết vụ, việc trái quy định;
- Vi phạm một trong những quy định tại khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trên đây là tư vấn về xử lý kỷ luật công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 183/QĐ-VKSTC-T1 năm 2016. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.