Từ 2025, camera giám sát hành trình phải có cảnh báo khi chạy quá tốc độ
Nội dung chính
Từ 2025, camera giám sát hành trình phải có cảnh báo khi chạy quá tốc độ
Căn cứ tại điểm 2.1.3 QCVN 06:2024/BCA yêu cầu camera giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe phải có chức năng cảnh báo đối với lái xe như sau:
Camera giám sát hành trình (thiết bị giám sát hành trình), thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe phải phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh với âm lượng không nhỏ hơn 65 dB (A) khi đo ở khoảng cách 10 cm, tần suất từ 60 đến 120 lần trên phút, đảm bảo người lái xe có thể nghe được khi đang lái xe trong các trường hợp sau:
- Lái xe không thực hiện đăng nhập hoặc đăng nhập hệ thống không thành công thẻ nhận dạng lái xe khi điều khiển xe;
- Xe chạy quá tốc độ giới hạn cho phép, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi tốc độ xe nhỏ hơn hoặc bằng tốc độ giới hạn.
Tốc độ giới hạn được cài đặt cho camera giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trên cơ sở tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại xe cơ giới tham gia giao thông trên đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) hoặc tốc độ tối đa theo từng cung đường trên bản đồ số;
- Tối thiểu 05 phút trước thời điểm 04 giờ lái xe liên tục, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi xe dừng hoặc lái xe thực hiện đăng xuất hệ thống.
Từ 2025, camera giám sát hành trình phải có cảnh báo khi chạy quá tốc độ (Hình từ Internet)
Camera giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm yêu cầu gì?
Tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe như sau:
Quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe
...
3. Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:
a) Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam);
b) Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.
4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 03 năm.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 3 của Điều này.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.
Như vậy, camera giám sát hành trình của xe ô tô phải đảm bảo yêu cầu:
- Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm:
+ Hành trình;
+ Tốc độ vận hành;
+ Thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam);
- Thông tin từ camera giám sát hành trình của xe ô tô được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ của xe ô tô từ năm 2025
Theo đó, từ 01/01/2025, mức phạt lỗi chạy quá tốc độ của xe ô tô sẽ được áp dụng theo mức chế tài được quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Chạy quá tốc độ từ 05 km/h đến dưới 10 km/h phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. (Điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(2) Chạy quá tốc độ từ 10km/h đến 20 km/h (điểm đ khoản 5 và điểm a khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng:
- Trừ 02 điểm giấy phép lái xe;
(3) Chạy quá tốc độ trên 20 km/h đến 35 km/h (điểm a khoản 6 và điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
- Trừ 04 điểm giấy phép lái xe;
(4) Chạy quá tốc độ trên 35 km/h (điểm a khoản 7 và điểm c khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng;
- Trừ 06 điểm giấy phép lái xe;
Lưu ý: Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng và còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe (điểm a khoản 10 và điểm đ khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).