Tòa nhà công ty cổ phần bị cháy do sơ xuất trong công tác phòng cháy dẫn đến thiệt hại về tài sản thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Chào anh chị, cho em hỏi vừa rồi em có đọc báo thấy một tòa nhà công ty cổ phần ở Quận 1 bị cháy do bị chập điện, vấn đề này xác định là do sơ xuất trong công tác phòng cháy. Theo thông tin từ báo thì vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản. Anh chị cho em hỏi nếu bị xử phạt hành chính thì ban quản lý tòa nhà này sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.
Nội dung chính
1. Tòa nhà công ty cổ phẩn bị cháy do sơ xuất trong công tác phòng cháy dẫn đến thiệt hại về tài sản thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
b) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
c) Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều này.
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Tổ chức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
d) Đơn vị sự nghiệp;
đ) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
e) Tổ hợp tác.
Căn cứ theo quy định hiện hành, đối với tòa nhà của công ty cổ phần thì được xem là một tổ chức. Trong trường hợp tòa nhà bị cháy do sơ xuất trong công tác phòng cháy dẫn đến thiệt hại về tài sản thì có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
2. Công ty cổ phần có chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy?
Tại Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự như sau:
1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.
Tại Điều 75 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về pháp nhân thương mại như sau:
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về công ty cổ phần như sau:
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Theo đó, công ty cổ phần được xem là doanh nghiệp, là pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật. Theo quy định, công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm trình sự khi phạm các tội được quy định. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, không thuộc các tội mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, công ty cổ phần không chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
3. Phòng cháy đối với công trình cao tầng được quy định như thế nào?
Tại Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 có quy định về phòng cháy đối với công trình cao tầng như sau:
1. Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
2. Công trình trên mặt nước có nguy hiểm về cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan, phương án, lực lượng, phương tiện bảo đảm tự chữa cháy.
3. Công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy.
4. Nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn dùng để làm nơi sản xuất, kho chứa hàng dễ cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan và hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy.
Như vậy, việc phòng cháy đối với công trình cao tầng sẽ được thực hiện theo quy định trên.
Trân trọng!