Xâm phạm bí mật kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền?
Nội dung chính
Bí mật kinh doanh là gì?
Căn cứ quy định khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
22a. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.
23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
...
Như vậy, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Xâm phạm bí mật kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ quy định Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh như sau:
Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Bên cạnh đó người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền tối đa quy định trên đây là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức (khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP)
Người lao động có phải thỏa thuận việc bảo vệ bí mật kinh doanh không?
Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung hợp đồng lao động
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
...
Như vậy, theo quy định trên thì người lao động phải thỏa thuận việc bảo vệ bí mật kinh doanh khi có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Lúc này, người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Trân trọng!