23:09 - 14/12/2024

Thời gian thử việc xong nghỉ thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Thời gian Thử việc tối đa bao lâu? Thử việc có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Nội dung chính

    Thời gian thử việc tối đa bao lâu?

    Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thời gian thử việc như sau:

    Thời gian thử việc
    Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
    1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
    2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
    3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
    4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

    Như vậy, thời gian thử việc tối đa khác nhau tùy theo tính chất công việc, yêu cầu trình độ và vị trí công việc khác nhau, cụ thể:

    - Thời gian thử việc tối đa đối với người quản lý doanh nghiệp là 180 ngày

    - Thời gian thử việc tối đa đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên là 60 ngày.

    - Thời gian thử việc tối đa đối với những công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ là 30 ngày

    - Thời gian thử việc tối đa đối với những công việc khác các công việc trên là 06 ngày

    Thời gian thử việc xong nghỉ thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

    Thời gian thử việc xong nghỉ thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng thử việc phải có thời gian thử việc không?

    Căn cứ Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thử việc như sau:

    Thử việc
    1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
    2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
    3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

    Theo đó, hợp đồng thử việc phải có những nội dung sau:

    - Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

    - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

    - Công việc và địa điểm làm việc;

    - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

    - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

    - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

    - Thời gian thử việc.

    Như vậy Hợp đồng thử việc bắt buộc phải ghi nhận nội dung về thời gian thử việc

    Thời gian thử việc xong nghỉ thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

    Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

    Trợ cấp thôi việc
    1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
    ...

    Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:

    Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
    ...
    3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
    a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
    ...

    Theo quy định trên, người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, trong đó đã bao gồm thời gian thử việc.

    Tuy nhiên, đối với trường hợp xin nghỉ trong thời gian thử việc thì người lao động không đảm bảo được điều kiện thời gian từ đủ 12 tháng để hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó,  nghỉ việc trong thời gian thử việc sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.

    63
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ