Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào?
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Nội dung của bộ luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thể hiện điểm tiến bộ hơn so với quy định tại Bộ luật tố tụng 2003. Một trong những quy định được bổ sung tại bộ luật này đó là đề ra thủ tục tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi được quy định tại Khoản 4 Điều 421 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai hoặc hỏi cung cần được bố trí theo cách chức phù hợp để làm giảm bớt sự căng thẳng, sợ hãi của người dưới 18 tuổi.
Trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng cần hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi. Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai những người này phải có thái độ, hành vi cũng như sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ. Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi cần được xác định dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe cũng như khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người đó và yêu cầu điều tra. Việc lấy lời khai phải được tạm dừng ngay khi người dưới 18 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
Khi lấy lời khai người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ về thời gian, địa điểm lấy lời khai. Trường hợp cần thiết hoặc khi người dưới 18 tuổi có yêu cầu, có thể mời cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế cùng tham gia để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho họ.
Khi lấy lời khai người bị tạm giữ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người dưới 18 tuổi có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo trước cho đại diện của gia đình để bảo đảm sự có mặt của họ. Việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can khi không có mặt đại diện gia đình chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó không có gia đình, đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc họ từ chối tham gia. Trường hợp đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can không thể có mặt, để bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng được tiến hành kịp thời theo quy định, thì việc lấy lời khai người bị tạm giữ là người dưới 18 tuổi vẫn được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia lấy lời khai.
Việc quy định như trên về thời gian lấy lời khai nói riêng, các thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm các hoạt động tố tụng được thực hiện phù hợp tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi, bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất đối với họ, phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!