08:57 - 14/11/2024

Tên sản phẩm, mẫu mã, bao bì của đối thủ cạnh tranh giống đến mức độ nào sẽ không bị kiện?

Công ty anh sản xuất bán lẻ, hiện bên anh đang trong thời gian tung sản phẩm mới và có đối thủ cạnh tranh, vì là đối thủ canh tranh trực tiếp trên cùng 1 sản phẩm nên anh không muốn sản phẩm bên mình quá khác biệt nhưng tất nhiên không thể giống y chang, cho anh hỏi về tên sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì thì giống đến mức độ nào sẽ không bị kiện tụng (ví dụ giống đến 70 hay 80% vẫn an toàn

Nội dung chính

    Tên sản phẩm, mẫu mã, bao bì của đối thủ cạnh tranh giống đến mức độ nào sẽ không bị kiện?

    Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì tên sản phẩm được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, còn thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp.    

    Hai nhãn hiệu được xem là không có khả năng phân biệt khi thuộc các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 như sau: 

    2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:  
    ...  

    e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;  

    g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;  

    h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;  

    i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;  

    k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; 
    - Việc xác định nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác hay không sẽ do các cơ quan Nhà nước xác định trong từng vụ việc cụ thể khi có một bên khởi kiện tại Tòa án chứ không có quy định hai nhãn hiệu giống nhau đến 70% hay 80% thì mới xem là trùng. Việc xác định phải dựa vào từng vụ việc cụ thể và dựa vào các dấu hiệu tương tự nhau của 2 nhãn hiệu, từ đó cơ quan Nhà nước mới có thể đưa ra kết luận. Đối với kiểu dáng công nghiệp thì việc đánh giá sự tương tự của 2 kiểu dáng công nghiệp sẽ thực hiện theo quy định tại Điểm 35 Mục 4 Chương I Thông tư 01/2007/TT-BKHCN như sau:  

    35.1 Đánh giá sự tương tự của kiểu dáng công nghiệp:  

    a) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là trùng nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp dùng cho sản phẩm cùng loại, có cùng tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản và không cơ bản;  

    b) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là tương tự nhau khi hai kiểu dáng công nghiệp dùng cho sản phẩm cùng loại, có một số đặc điểm tạo dáng cơ bản giống nhau;  

    c) Hai kiểu dáng công nghiệp bị coi là tương tự gần nhất khi hai kiểu dáng công nghiệp tương tự có số các đặc điểm tạo dáng cơ bản giống nhau nhiều hơn so với tất cả các kiểu dáng công nghiệp tương tự khác.

    Theo đó, việc đánh giá 2 kiểu dáng công nghiệp có trùng hoặc tương tự nhau hay không cũng phải dựa theo từng vụ việc cụ thể và các dấu hiệu cụ thể của 2 kiểu dáng công nghiệp đó.    

    Nếu bị kết luận là nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp của anh trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp khác đã được bảo hộ thì anh sẽ vi phạm Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ và Điều 40 Luật cạnh tranh 2004 về hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.   

    Trân trọng!

    336
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ