Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả không?
Nội dung chính
Tác phẩm phái sinh là gì?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về khái niệm tác phẩm phái sinh như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
Như vậy, tác phẩm phái sinh là tác phẩm được tạo ra từ việc chỉnh sửa hoặc phát triển từ tác phẩm gốc, bao gồm dịch thuật, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải và tuyển chọn.
Bên cạnh đó, tác phẩm phái sinh còn được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định 17/2023/NĐ-CP:
Tác phẩm phái sinh
Tác phẩm phái sinh quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm:
1. Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tphẩm được dịch.
2. Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng.
3. Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá.
4. Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải.
5. Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển.
6. Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể.
7. Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.
Tác phẩm phái sinh là những tác phẩm được tạo ra từ một hoặc nhiều tác phẩm có sẵn, bao gồm các hình thức như: dịch thuật (thể hiện bằng ngôn ngữ khác), phóng tác (mô phỏng hoặc sửa đổi nội dung), biên soạn (soạn từ các tác phẩm theo chủ đề và có thể kèm bình luận), chú giải (làm rõ nghĩa và nội dung), tuyển chọn (chọn lọc từ nhiều tác phẩm theo thời gian hoặc chủ đề), cải biên (soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt), và chuyển thể (biến đổi loại hình hoặc sử dụng thủ pháp nghệ thuật khác).
Tác phẩm phái sinh là gì? (Hình từ Internet)
Thế nào là quyền tác giả?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ:
Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Như vậy, quyền tác giả là quyền của tổ chức hoặc cá nhân đối với tác phẩm do họ sáng tạo hoặc sở hữu. Đối tượng của quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, và khoa học; quyền liên quan bao gồm các cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Tác phẩm phái sinh có được bảo hộ quyền tác giả không?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm gốc mà nó được tạo ra từ đó. Đồng nghĩa với việc sáng tạo tác phẩm phái sinh phải tôn trọng quyền lợi của tác giả tác phẩm gốc, không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của họ.
Như vậy, nếu đáp ứng điều kiện không gây phương hại, không xâm phạm đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc thì tác phẩm phái sinh vẫn được bảo hộ quyền tác giả.