Như thế nào là vi phạm quyền tác giả? Vi phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt như thế nào?
Nội dung chính
Như thế nào là vi phạm quyền tác giả?
Căn cứ Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định những hành vi sau là hành vi vi phạm (xâm phạm) quyền tác giả:
- Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Chẳng hạn như quyền đặt tên, đứng tên trên tác phẩm...
- Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Chẳng hạn như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, phân phối, bán, cho thuê…
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các Điều 25, Điều 25a và Điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Chẳng hạn như: xin phép, trả tiền bản quyền,...
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
- Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Như thế nào là vi phạm quyền tác giả? Vi phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Vi phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt như thế nào?
Như đã trình bày hành vi vi phạm quyền tác giả là tên gọi chung của rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả. Căn cứ Nghị định 131/2013/NĐ-CP, dưới đây là những mức phạt của những hành vi điển hình vi phạm quyền tác giả:
(1) Sử dụng tác phẩm mà không nêu hoặc nêu không đúng tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình:
Mức phạt: 2 - 3 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch. Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm.
(theo khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
(2) Tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả:
Mức phạt: 3 - 5 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật. Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
(theo khoản 1 và khoản 3 Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
(3) Xuyên tạc tác phẩmgây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả:
Mức phạt: 5 - 10 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật. Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
(theo khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
(4) Biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.:
Mức phạt: 10 - 15 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm.
(theo khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
(5) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc các phương tiện kỹ thuật khác mà không được phépcủa chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định:
Mức phạt: 15 - 30 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
(theo Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
(6) Sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả:
Mức phạt: 15 - 35 triệu đồng.
Đồng thời: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
(theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
Hệ lụy của việc vi phạm quyền tác giả
Vi phạm quyền tác giả không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân tác giả mà còn để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội và ngành công nghiệp sáng tạo.
(1) Tác động tiêu cực đến tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả
Khi tác phẩm bị sử dụng trái phép, tác giả hoặc chủ sở hữu không chỉ bị tổn thất tài chính mà còn mất đi sự công nhận xứng đáng với công sức sáng tạo. Việc xuyên tạc, cắt xén hoặc sử dụng tác phẩm không đúng cách cũng có thể làm tổn hại danh tiếng và uy tín của họ.
(2) Gây thiệt hại kinh tế
Vi phạm bản quyền khiến các ngành công nghiệp sáng tạo như âm nhạc, điện ảnh, xuất bản, và nghệ thuật mất đi nguồn thu nhập chính đáng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân tác giả mà còn làm suy giảm sự phát triển chung của các ngành này.
(3) Phá vỡ môi trường sáng tạo
Khi quyền tác giả không được bảo vệ, nhiều người sáng tạo có thể mất đi động lực làm việc, vì công sức của họ không được bảo vệ và công nhận đúng mực. Điều này tạo nên một môi trường thiếu lành mạnh cho sự đổi mới và sáng tạo.
(4) Ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản phẩm không đảm bảo chất lượng khi sử dụng các bản sao chép trái phép. Ngoài ra, họ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật mà có thể không hề hay biết.
Tóm lại, vi phạm quyền tác giả không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng trên nhiều khía cạnh, từ cá nhân đến xã hội và nền kinh tế.