Quy định về khám, chữa bệnh cho người khuyết tật như thế nào?
Nội dung chính
Quy định về khám, chữa bệnh cho người khuyết tật như thế nào?
Căn cứ Điều 22 Luật Người khuyết tật 2010 quy định khám, chữa bệnh cho người khuyết tật như sau:
- Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.
- Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật.
Quy định về khám, chữa bệnh cho người khuyết tật như thế nào? (Hình từ internet)
Cơ sở khám, chữa bệnh cho người khuyết tật có trách nhiệm ra sao?
Căn cứ Điều 23 Luật Người khuyết tật 2010 quy định trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh cho người khuyết tật như sau:
-. Thực hiện biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp cho người khuyết tật.
- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
- Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật có những cơ sở nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 24 Luật Người khuyết tật 2010 quy định cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật bao gồm:
Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng
1. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng là cơ sở cung cấp dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
2. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bao gồm:
a) Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng;
b) Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng;
c) Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng;
d) Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội;
e) Cơ sở khác.
3. Việc thành lập và hoạt động của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đối với cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng công lập.
Như vậy, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật bao gồm những cơ sở sau:
- Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng
- Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng
- Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng
- Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội
- Cơ sở khác.
Nhiệm vụ của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là gì?
Theo khoản 2 Điều 31 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về nhiệm vụ của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
- Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp
- Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp
- Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp
- Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng
- Cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.