Nội dung nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, đề xuất xây dựng mới văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết thế nào?
Nội dung chính
Nội dung nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, đề xuất xây dựng mới văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết thế nào?
Căn cứ Mục 3 Chương II Kế hoạch thực hiện kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV (Ban hành kèm theo Quyết định 2114/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) quy định về nội dung tập trung nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong Đề án như sau:
- Cơ quan chủ trì: Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo.
- Nội dung thực hiện:
+ Tập trung nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết gắn với nhiệm vụ lập pháp thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách bảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
+ Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát cần làm rõ các nội dung sau đây:
(i) Đánh giá mức độ phù hợp, tính khả thi và hiệu quả thực tế của các quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết đang điều chỉnh vấn đề có liên quan đến nội dung định hướng. Xác định rõ các nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan.
(ii) Trường hợp nội dung nêu trong định hướng là vấn đề mới chưa có quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết thì cần nghiên cứu, đánh giá việc thi hành văn bản dưới luật (nếu có) đang điều chỉnh nội dung này; làm rõ nhu cầu cần có quy định của luật, pháp lệnh hoặc nghị quyết để điều chỉnh và kinh nghiệm quốc tế.
(iii) Đề xuất giải pháp cụ thể xử lý kết quả nghiên cứu, rà soát theo một trong hai hướng sau đây:
Không cần thiết sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng vẫn bảo đảm thực hiện định hướng đã xác định do: chỉ cần sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản dưới luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết hiện hành hoặc giải pháp khác.
Cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết để thực hiện định hướng đã xác định. Theo đó, phải xác định rõ nội dung, tên văn bản cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới và định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (trường hợp sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản thì đề xuất sửa đổi riêng từng văn bản hay xây dựng một văn bản để sửa nhiều văn bản; trường hợp ban hành văn bản mới thì có phải đồng thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành có liên quan không); dự kiến thời hạn hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và thời hạn trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua.
+ Trường hợp qua nghiên cứu, rà soát cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết thì kịp thời lập đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
+ Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Kết quả thực hiện: Báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất.
- Thời gian thực hiện: Tiến độ báo cáo kết quả theo tiến độ được xác định trong Đề án và Kế hoạch triển khai Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.