Nhà thầu nước ngoài khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ gì?
Nội dung chính
Nhà thầu nước ngoài khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài trong hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 11 Thông tư 14/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành như sau:
Nhà thầu nước ngoài khi hoạt động xây dựng tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 74 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP:
1. Nhà thầu nước ngoài có các quyền sau:
a) Được quyền yêu cầu các cơ quan có chức năng hướng dẫn việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của nhà thầu theo quy định của Nghị định này;
b) Được quyền tố cáo, khiếu nại những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc theo quy định của Nghị định này;
c) Được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong kinh doanh tại Việt Nam theo giấy phép thầu được cấp.
2. Nhà thầu nước ngoài có các nghĩa vụ sau:
a) Đăng ký địa chỉ, số điện thoại, fax, e-mail của văn phòng điều hành và người đại diện thực hiện hợp đồng tại các cơ quan có liên quan đến các nội dung nêu trên theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án nhận thầu. Đối với nhà thầu thực hiện các gói thầu lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình có thể đăng ký các nội dung nêu trên tại địa phương khác không phải là nơi có dự án nhận thầu.
Sau khi thực hiện xong việc đăng ký các nội dung nêu trên, nhà thầu thông báo các thông tin này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có công trình xây dựng biết, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng;
b) Đăng ký sử dụng con dấu của văn phòng điều hành công trình tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có công trình xây dựng. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép thầu. Khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải nộp lại con dấu cho cơ quan đã cấp;
c) Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;
d) Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.
Chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng.
Người nước ngoài làm việc cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xuất - nhập cảnh, đăng ký tạm trú hoặc thường trú và đăng ký để được cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động;
đ) Làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Công Thương, gồm:
Đăng ký tạm nhập tái xuất vật tư, máy móc, thiết bị thi công xây dựng;
Đăng ký danh mục nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, các thiết bị toàn bộ và đồng bộ cho công trình thuộc hợp đồng nhận thầu;
e) Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng;
g) Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu gồm: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
h) Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;
i) Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
k) Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;
l) Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định trong Giấy phép hoạt động xây dựng;
m) Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng kýtheo chế độ tạm nhập - tái xuất; thanh lý hợp đồng. Đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của văn phòng điều hành công trình.