Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được Nhà nước hỗ trợ gì không, cụ thể ra sao?
Nội dung chính
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được Nhà nước hỗ trợ gì không, cụ thể ra sao?
Điều 12 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
1.1. Đối tượng hỗ trợ và tỷ lệ hỗ trợ đóng BHXH của Nhà nước
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
...
5. Việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018. Không hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đóng BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2018, trừ trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo các phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong đó có thời gian sau thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng thì không áp dụng hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đã đóng BHXH tự nguyện.
Và theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thông giai đoạn 2016-2020 là 700.000 đồng/người/tháng, do đó, mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 154.000 đồng/tháng.
Căn cứ theo quy định nêu trên thì kể từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH trên mức 154.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào từng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể:
- Hỗ trợ 46.200 đồng/tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
- Hỗ trợ 38.500 đồng/tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
- Hỗ trợ 15.400 đồng/tháng đối với các đối tượng khác.