THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
59/2015/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHUẨN NGHÈO TIẾP CẬN ĐA CHIỀU ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN
2016 - 2020
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu
giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2015 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội,
Thủ tướng
Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp
dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 1. Các tiêu chí tiếp cận
đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
1. Các tiêu chí về thu nhập
a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng
ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực
thành thị.
b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở
khu vực thành thị.
2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận
dịch vụ xã hội cơ bản
a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch
vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin;
b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt
các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế;
trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ
em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người;
nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông;
tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Điều 2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020
1. Hộ nghèo
a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một
trong hai tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng
từ đủ 700.000 đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng
trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ
số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận
các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một
trong hai tiêu chí sau:
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng
từ đủ 900.000 đồng trở xuống;
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng
trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ
số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
trở lên.
2. Hộ cận nghèo
a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập
bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới
03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt
tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập
bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới
03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
3. Hộ có mức sống trung bình
a) Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập
bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
b) Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập
bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Mức chuẩn nghèo quy định tại Điều 2
Quyết định này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập
và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và
an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn
2016-2020.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Xây dựng kế hoạch, phương pháp,
công cụ hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, xác định các đối tượng thụ
hưởng chính sách đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ (hai năm/lần);
- Tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính
phủ tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ của cả nước và các tỉnh, thành phố;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối
tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước trong giai đoạn 2016-2020.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bổ sung hệ thống thu thập số liệu
các chiều, chỉ số nghèo đa chiều trong khảo sát mức sống hộ
gia đình nhằm phục vụ theo dõi và đánh giá tình trạng nghèo đa chiều của quốc
gia và các địa phương;
- Trên cơ sở kết quả điều tra mức sống hộ gia đình hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư (Tổng cục Thống kê) công bố tỷ lệ nghèo chung (có cập nhật chỉ số giá tiêu
dùng - CPI), tỷ lệ hộ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số nghèo đa chiều (MPI), làm cơ sở để định hướng các chính sách phát
triển kinh tế vùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội;
- Nghiên cứu bổ sung các chỉ số đo lường
nghèo đa chiều vào bộ chỉ tiêu khảo sát mức sống hộ gia đình để phản ánh tốt hơn
các khía cạnh nghèo của người dân, nhất là những chỉ số phản ánh kết quả và tác động.
c) Bộ Tài chính
Chủ trì phối hợp
với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối nguồn lực ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khi
chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo sang đa chiều.
d) Bộ Y tế
- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp
nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh, tăng độ bao
phủ tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch
vụ về y tế.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp
tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi theo từng cấp học, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban; tăng tỷ lệ biết
chữ của người lớn;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch
vụ về giáo dục.
e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp
tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh khu vực nông thôn;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ về vệ sinh, nước
sạch nông thôn.
g) Bộ Xây dựng
- Nghiên cứu, thực hiện giải pháp để
hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở, tăng tỷ lệ người dân có
nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng;
- Phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ
về nhà ở.
h) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Nghiên cứu, thực
hiện giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, cập nhật chỉ số đo lường tiếp cận về
thông tin.
i) Ủy ban Dân tộc
phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan xây dựng
giải pháp giảm nghèo bền vững phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.
k) Các Bộ, ngành liên quan: trên cơ sở
mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của cả nước
và từng địa phương, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ các giải pháp để tác động trong các chương trình, chính sách đặc thù và thường
xuyên, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân,
nhất là các vùng có tỷ lệ tiếp cận thấp.
3. Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của
các cấp, ngành và người dân về mục đích, ý nghĩa việc chuyển đổi phương pháp tiếp
cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều;
b) Chỉ đạo điều tra xác định, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo hằng
năm;
c) Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020
trên địa bàn;
d) Nghiên cứu, thực hiện giải pháp
nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa
bàn;
đ) Căn cứ điều kiện và khả năng thực
tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bổ sung các
chiều/chỉ số thiếu hụt, điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt, áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận
đo lường nghèo đa chiều, nâng chuẩn nghèo thu nhập cao hơn chuẩn của quốc gia với
điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để hỗ trợ
các chính sách cho đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn do điều chỉnh, nâng chuẩn.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2016.
Các nội dung quy định tại Điều 1 và
Điều 2 Quyết định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|