Thứ 7, Ngày 02/11/2024
10:19 - 28/09/2024

Ngành nghề công nghệ Da Giày là gì?

Ngành nghề công nghệ Da Giày là gì? Em mới tốt nghiệp THPT, muốn tìm hiểu thêm về cao đẳng nghề công nghệ Da Giày, xin được tư vấn ạ?

Nội dung chính

    Ngành nghề công nghệ Da Giày là gì?

    Căn cứ Thông tư 23/2019/TT-BLĐTBXH quy định về ngành nghề công nghệ Da Giày như sau:

    Giới thiệu chung về ngành/nghề

     “Công nghệ Da Giày” là ngành, nghề mà mỹ thuật kết hợp với kỹ thuật công nghệ để tạo ra các sản phẩm thời trang đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. Các sản phẩm thời trang ngành Da Giày bao gồm giày - dép và hàng daGiày - dép là các sản phẩm được mang, gắn vào chân mỗi người, có chức năng bảo vệ, hỗ trợ chân khi đi lại, chơi thể thao hay làm việc và ngoài ra còn làm đẹp cho người sử dụng; hàng da là những vật dụng làm bằng da như bao tay, túi, cặp, va li, ví, mũ, … Tuy nhiên hiện nay, để sản xuất giày và hàng da, ngoài da thuộc, còn sử dụng nhiều loại vật liệu khác như da nhân tạo, vải, cao su v.v.

    Công nghệ Da Giày gồm hai phần việc chính: sản xuất phần trên, phần bảo vệ chân của đôi giày, còn gọi là “mũ giày”, và sản xuất phần dưới có tác dụng chống mòn, cách ly bàn chân với bề mặt tiếp xúc còn gọi là phần “đế giày”. Mũ giày thường được cắt ra từ da mềm, vải hay nhựa rồi may lại. Phần đế thường được đúc từ cao su, nhựa hay cắt ra từ da cứng rồi gắn với mũ để thành sản phẩm giày – dép hoàn chỉnh. Hàng da thông thường là các sản phẩm không phải làm phần đế. Ngoài các phần việc chế tác chính, người làm công nghệ Da Giày còn phải thực hiện các phần việc hỗ trợ như chuẩn bị kỹ thuật, quản lý chất lượng, sản xuất và môi trường trong các công ty Da Giày.

    Nghề “Công nghệ Da Giày” trình độ cao đẳng đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam, sau khi tốt nghiệp, người học nghề “Công nghệ Da Giày” có thể tham gia làm việc trong các doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, hay kinh doanh các sản phẩm giày, dép, túi xách, vật liệu cho giày, dép, túi xách, cũng như các thiết bị liên quan tới nghề.

    Em mới tốt nghiệp THPT, muốn tìm hiểu thêm về cao đẳng nghề công nghệ Da Giày, xin được tư vấn ạ?

    Căn cứ Thông tư 23/2019/TT-BLĐTBXH quy định về khối lượng kiến thức, yêu cầu năng lực sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành, nghề công nghệ Da Giày như sau:

    Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.500 giờ (tương đương 90 tín chỉ).

    Kiến thức

    - Phân loại và giải thích được đặc điểm của các loại nguyên phụ liệu dùng trong nghề Da Giày; phân tích được cấu tạo sản phẩm hàng da, giày;

    - Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng của nguyên phụ liệu giày, thiết bị công nghệ đến chất lượng sản phẩm giày dép;

    - Áp dụng đúng các biện pháp an toàn trong môi trường lao động ngành Da Giày;

    - Đọc hiểu và trình bày được các nội dung trong tài liệu kỹ thuật chuyên ngành Da Giày;

    - Trình bày được những kiến thức cơ bản về công nghệ sản xuất giày dép ở các công đoạn chuẩn bị sản xuất, sản xuất trên chuyền và hoàn tất; mô tả được từng công việc cụ thể;

    - Nhận dạng, phân loại được các thiết bị và các bộ phận trong dây chuyền sản xuất giày dép;

    - Phân tích được các vấn đề kỹ thuật để vận dụng vào các lĩnh vực thiết kế và công nghệ sản xuất giày dép;

    - Trình bày được quy trình và thủ tục triển khai sản xuất, khắc phục sai sót của doanh nghiệp;

    - Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.

    Kỹ năng

    - Vận dụng được các tư duy mỹ thuật để tạo ra các mẫu mã sản phẩm giày dép theo nhu cầu của khách hàng;

    - Phân biệt và lựa chọn được nguyên phụ liệu, phương pháp thiết kế, công nghệ sản xuất thích hợp cho từng sản phẩm giày dép khác nhau;

    - Vận dụng được các phương pháp thiết kế thủ công và trên các phần mềm chuyên ngành để thiết kế mẫu giày và biên soạn tài liệu kỹ thuật (Phác họa - Thiết kế - Tài liệu kỹ thuật);

    - Vận hành được các thiết bị ngành giày dép nói chung và có khả năng sửa chữa bảo trì các thiết bị giày;

    - Thực hiện hoàn chỉnh sản phẩm giày dép (Phác họa mẫu - Thiết kế - Cắt - May - Gò ráp đế - Hoàn thiện);

    - Tính được định mức nguyên phụ liệu, định mức thời gian, lập kế hoạch sản xuất cho từng đơn hàng cụ thể và đánh giá các dữ liệu liên quan đến năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm;

    - Xây dựng và triển khai được các quy trình cho các công đoạn sản xuất ngành Da Giày;

    - Áp dụng thành thạo các thủ tục giám sát; phát hiện được các điểm cần cải tiến trong hệ thống sản xuất;

    - Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;

    - Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.

    Mức độ tự chủ và trách nhiệm

    - Có ý thức trách nhiệm công dân, tuân thủ pháp luật và nội quy của của tổ chức.

    - Có khả năng làm việc độc lập, có ý thức chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong quá trình làm việc nhóm để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc;

    - Có tác phong công nghiệp và có ý thức làm việc trong môi trường doanh nghiệp đa văn hóa và đa sắc tộc.

    - Có trách nhiệm với công việc; chịu trách nhiệm với công việc và nhiệm vụ được giao.

    - Có ý thức tiết kiệm, bảo vệ dụng cụ, máy, thiết bị; bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng trong quá trình thực hiện công việc;

    - Thể hiện ý thức tích cực học tập rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc.

    Vị trí việc làm sau tốt nghiệp

    Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

    - Tạo mẫu - Thiết kế.

    - Chuẩn bị công nghệ.

    - Cắt vật liệu.

    - May ráp sản phẩm.

    - Gò ráp đế.

    - Hoàn tất sản phẩm.

    - Bảo trì thiết bị, dụng cụ.

    - Đảm bảo chất lượng sản phẩm.

    - Quản lý và điều hành sản xuất.

    Khả năng học tập, nâng cao trình độ

    - Khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Công nghệ Da Giày trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;

    Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành nghề hoặc trong nhóm ngành nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.