08:40 - 12/11/2024

Mở chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Nước ngoài

Một ngân hàng thương mại ở Việt Nam muốn mở chi nhánh tại nước ngoài thì cần tiến hành các thủ tục gì, điều kiện ra sao và phải tuân thủ các văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Mở chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Nước ngoài

    Theo Điều 8, Điều 9 Thông tư 21/2013/TT-NHNN Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành:

    Điều 8. Điều kiện thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài

    Để được thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

    1. Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này (trừ các điểm b, h khoản 1 Điều 6).

    2. Có thời gian hoạt động tối thiểu là ba (03) năm tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị.

    3. Có tổng tài sản Có đạt 100.000 tỷ Đồng Việt Nam trở lên theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị.

    4. Hoạt động kinh doanh có lãi theo các báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán trong ba (03) năm trước liền kề năm đề nghị.

    Điều 9. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và văn phòng đại diện ở nước ngoài

    Để được thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước và văn phòng đại diện ở nước ngoài, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

    1. Có thời gian hoạt động tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị.

    2. Các điều kiện quy định tại các điểm đ, e, i khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

    3. Đối với việc thành lập văn phòng đại diện, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, ngân hàng thương mại phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.

    Hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; chấp thuận thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài được quy định tại Điều 12 Thông tư 21/2013/TT-NHNN. Cụ thể:

    1. Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; chấp thuận thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).

    2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên về việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài. Trong đó, đối với việc thành lập phòng giao dịch, Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên phải nêu rõ tên, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch, các nghiệp vụ phòng giao dịch sẽ thực hiện, phạm vi hoạt động về mặt địa lý và đối tượng khách hàng chính.

    3. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần); nghị quyết của Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); ý kiến chấp thuận của Chủ sở hữu (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên) thông qua việc thành lập ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài.

    4. Đề án thành lập từng chi nhánh ở trong nước, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:

    a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt; tên viết tắt bằng tiếng Việt; địa chỉ; nội dung hoạt động; đối tượng khách hàng chính;

    b) Lý do thành lập và lý do lựa chọn địa bàn thành lập;

    c) Cơ cấu tổ chức: Sơ đồ tổ chức gồm các phòng ban của chi nhánh;

    d) Nghiên cứu khả thi: Phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường;

    đ) Phương án kinh doanh dự kiến trong ba (03) năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.

    5. Đề án thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:

    a) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài (nếu có);

    b) Địa điểm (tên quốc gia và địa chỉ cụ thể (nếu có));

    c) Mức vốn cấp cho chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% ở nước ngoài;

    d) Nội dung hoạt động; thời hạn hoạt động; đối tượng khách hàng chính;

    đ) Lý do thành lập và lý do lựa chọn nước sở tại;

    e) Cơ cấu tổ chức và mạng lưới: Sơ đồ tổ chức gồm trụ sở chính, các phòng ban tại trụ sở chính; các hiện diện thương mại khác của ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài (nếu có);

    g) Thông tin pháp lý có liên quan: Liệt kê các quy định có liên quan của nước sở tại về việc cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài thành lập và hoạt động chi nhánh, ngân hàng 100% vốn ở nước sở tại đó (tên, số hiệu, ngày tháng của văn bản);

    h) Nghiên cứu khả thi: Phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu, các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường;

    i) Phương thức kiểm soát của ngân hàng thương mại đối với chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài, trong đó cần nêu được tối thiểu các nội dung sau: phương thức (thuê ngoài hay tự thực hiện) và lý do lựa chọn phương thức; tổ chức thực hiện phương thức; chi phí ước tính thực hiện phương thức; khó khăn dự kiến và giải pháp;

    k) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ (đối với ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài); căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm;

    l) Tác động và hiệu quả dự kiến của việc thành lập chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài, các vấn đề (nếu có) về bảo đảm an toàn hoạt động đối với ngân hàng thương mại và các giải pháp; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các giới hạn góp vốn mua, cổ phần sau khi thành lập ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài;

    m) Phương án và biện pháp xử lý của ngân hàng thương mại trong trường hợp chi nhánh ở nước ngoài, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân hàng thương mại.

    6. Các văn bản khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư này.

    Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc mở chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại Nước ngoài. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 21/2013/TT-NHNN để nắm rõ quy định này.

    Trân trọng!

    4