Loại xe gắn máy nào học sinh trung học phổ thông được phép điều khiển trong năm 2025?
Nội dung chính
Loại xe gắn máy nào học sinh trung học phổ thông được phép điều khiển trong năm 2025?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Luật trật tự, an toàn giao thông 2024 độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Như vậy, là học sinh trung học phổ thông và đủ 16 tuổi thì được phép điều khiển xe gắn máy.
Đồng thời, tại điểm g khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về các loại xe gắn máy như sau:
- Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h:
+ Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3;
+ Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW;
+ Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Lưu ý: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Tại Điều 5 Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định học sinh trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cụ thể như sau:
(1) Nội dung hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn bao gồm:
- Phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe;
- Cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn;
- Văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông;
- Cách khởi động và tắt máy, cách sử dụng ga, phanh, thay đổi số, sử dụng các thiết bị bảo hộ;
- Tư thế lên ngồi lái xe, xuống xe an toàn;
- Khởi hành, điều chỉnh tốc độ phù hợp, dừng xe an toàn;
- Lái xe theo 04 hình mẫu bao gồm: đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cản, đi qua đường gồ ghề;
- Các nội dung khác có liên quan.
(2) Học sinh thực hành lái xe gắn máy an toàn theo quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g của mục (1).
(3) Thời gian hướng dẫn và đánh giá kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát giao thông trực tiếp thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục và bảo đảm nội dung hướng dẫn quy định tại mục (1).
Lưu ý: Nghị định 151/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Ai sẽ đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh?
Tại Điều 6 Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh được như sau:
(1) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình giảng dạy, tài liệu hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy an toàn bảo đảm phù hợp với đối tượng, nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định 151/2024/NĐ-CP.
(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý trường trung học phổ thông chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.
(3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.
(4) Trách nhiệm của trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
- Tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;
- Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của gia đình học sinh trong quá trình học kỹ năng lái xe gắn máy an toàn như sau:
- Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh;
- Không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định;
- Thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.
Lưu ý: Nghị định 151/2024/NĐ-CP và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/225