Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu men vi sinh cho em bé
Nội dung chính
Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu men vi sinh cho em bé
1. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu là thuốc chữa bệnh.
Căn cứ Điều 7 Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế quy định: “Nhập khẩu thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc”
1. Cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người các thuốc thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc quy định tại Danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc (Phụ lục ).
2. Thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, trừ thuốc gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc, được nhập khẩu theo nhu cầu không phải đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu hoặc xác nhận đơn hàng nhập khẩu.
3. Thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý dược- Bộ Y tế bao gồm:
a) Thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, kể cả dạng đơn chất hoặc phối hợp đó có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực;
b) Thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế chưa có số đăng ký;
c) Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.”
Đề nghị Công ty tham khảo và đối chiếu với Danh mục Cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người xem mặt hàng nhập khẩu của Công ty có được phép nhập khẩu hay không. Ngoài ra nếu mặt hàng thuốc của Công ty chưa có số đăng ký thì Công ty phải xin giấy phép của Cục Quản lý dược- Bộ Y tế trước khi làm thủ tục nhập khẩu.
2. Trường hợp hàng hoá là thực phẩm chức năng
Căn cứ khoản 1 và 2 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu
1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện tương ứng quy định tại Chương III của Luật này và các điều kiện sau đây:
a) Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu;
b) Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ.”
Căn cứ Điều 14 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng:
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố.
3. Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về quản lý thực phẩm chức năng.”
Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ thì thực phẩm chức năng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế. Theo đó, khi nhập khẩu công ty phải đăng ký bản công bố hợp quy và công bộ phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Về thủ tục hải quan, công ty thực hiện theo quy định tại điều 16 và điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015
Lưu ý công ty, theo quy định tại điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/04/2013 của Bộ Công thương thì “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan”. Do đó, công ty chỉ được tiến hành các hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo quy định của Giấy chứng nhận đầu tư.