Giấy triệu tập bị can gồm những nội dung gì?
Nội dung chính
Giấy triệu tập bị can gồm những nội dung gì?
Nội dung giấy triệu tập bị can được quy định tại Khoản 1 Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
Khi triệu tập bị can, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Về thủ tục gửi, nhận và thi hành giấy triệu tập, giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.
Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận và ghi rõ giờ, ngày nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị can không ký nhận thì lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của bị can có đủ năng lực hành vi dân sự để ký xác nhận và chuyển cho bị can.
Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải.
Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này.
Như chúng ta đã biết, giấy triệu tập bị can được sử dụng để yêu cầu bị can đang tại ngoại đến Cơ quan điều tra để hỏi cung hoặc tham gia vào hoạt động điều tra khác. Nội dung của giấy triệu tập bị can phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; ngày, giờ, tháng, nãm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.
Cơ quan điều tra phải gửi giấy triệu tập cho bị can thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc qua cơ quan, tổ chức nơi bị can công tác, học tập, lao động.
Các cơ quan, tổ chức, chính quyền xã, phường, thị trấn nhận được giấy triệu tập bị can có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can. Bị can phải ký nhận giấy triệu tập, có ghi rõ ngày, giờ nhận. Cơ quan, tổ chức, chính quyền xã, phường, thị trấn phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can. Trong trường hợp bị can không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho Cơ quan điều tra triệu tập bị can. Trong trường hợp bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đã thành niên trong gia đình để ký xác nhận và chuyển cho bị can.
Riêng đối với trường hợp bị can đang bị tạm giam hoặc đang thi hành án được triệu tập thông qua Ban giám thị trại tạm giam hoặc Ban giám thị trại giam.
Theo đó, bị can có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập. Nếu họ vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có ý định trốn tránh, thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải. Việc vắng mặt tại Cơ quan điều tra được coi là lý do chính đáng khi bị can gặp trở ngại như ốm nặng đột xuất hoặc gặp tai nạn phải cấp cứu ở bệnh viện hay rủi ro khác v.v…
Nếu bị can không được giao giấy triệu tập thì họ không phải chịu trách nhiệm về sự vắng mặt của họ. Vì vậy, Cơ quan điều tra phải kiểm tra xem bị can đã được giao giấy triệu tập hay chưa và lý do của sự vắng mặt của họ.
Trong trường hợp cần phục cung, Kiểm sát viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định tại điều này.
Như vậy, dù gửi qua chủ thể nào thì giấy triệu tập bị can cũng bao gồm các nội dung sau: họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung giấy triệu tập bị can. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.