Giáo viên hợp đồng có được đóng bảo hiểm không? Giáo viên có được trả tiền dưỡng sức trong thời gian nghỉ hè?
Nội dung chính
Giáo viên hợp đồng có được đóng bảo hiểm không?
Em có ký HĐLĐ với trường mầm non dân lập 1 năm. Nhưng 02 tháng rồi vẫn chưa được đóng BHXH. Bên trường kêu ít nhất phải được nửa năm thì mới đóng cho em ạ. Như vậy thì có đúng không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
....
Như vậy, trường hợp chị ký HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thì chị đã thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Do đó, việc nhà trường giải thích sẽ đóng sau khi chị làm được nửa năm mới được đóng là không có căn cứ và vi phạm quy định pháp luật.
Cho nên, chị có quyền khiếu nại với Hiệu trưởng để giải quyết, trường hợp không được giải quyết chị có thể khiếu nại tới Phòng Lao động- thương binh- xã hội.
Giáo viên có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh trong thời gian nghỉ hè không?
Tôi là giáo viên, tôi nghỉ sinh trùng với thời gian nghỉ hè. Bên kế toán trường có làm chế độ dưỡng sức sau sinh. Vậy tôi có được chi trả tiền dưỡng sức sau sinh trong thời gian nghỉ hè không ạ?
Trả lời:
Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:
- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏechưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợpđơn vịsử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Vậy điều kiện để bạn được nghỉ dưỡng sức sau sinh là:
+ Ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con; trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi;
+ Được nhà trường đồng ý.
Như vậy, chế độ dưỡng sức sau sinh chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc trở lại sau thời gian hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 30 ngày bạn vẫn đang trong kỳ nghỉ hè nên cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không chi trả tiền nghỉ dưỡng sức trong thời gian nghỉ hè.
Giáo viên nam được nghỉ mấy ngày khi vợ sinh con?
Tôi là giáo viên dạy toán, đóng BHXH đầy đủ. Mới đây vợ tôi sinh con vậy thì tôi được nghỉ bao nhiêu ngày để chăm vợ? Trường hợp chồng nghỉ thai sản có được giảm tiết dạy không?
Trả lời:
a) Về việc nghỉ chế độ thai sản
Theo Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản.
Theo Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Như vậy giáo viên nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì được nghỉ thai sản, số ngày nghỉ thai sản phụ thuộc vào việc vợ sinh thường hay sinh mổ, sinh đôi,... theo quy định nêu trên.
b) Về việc giảm tiết dạy
Định mức tiết dạy đối với giáo viên các cấp được quy định tại Chế độ làm việc làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Theo Chương III Thông tư này thì các trường hợp sau đây thì được giảm định mức tiết dạy:
- Giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn;
- Giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường;
- Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các đối tượng khác
+ Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu được giảm 2 tiết/tuần.
+ Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi tuần lễ được giảm 3 tiết (đối với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở) và 4 tiết (đối với giáo viên tiểu học).
Như vậy, giáo viên nam nghỉ thai sản không thuộc các trường hợp được giảm tiết dạy.
Trân trọng!