11:32 - 07/11/2024

Giăng bẫy điện làm chết người thì bị xử lý như thế nào?

Giăng bẫy điện làm chết người thì bị xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Giăng bẫy điện làm chết người thì bị xử lý như thế nào?

    Theo hướng dẫn tại Công văn 81/2002/TANDTC thì đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.

    Theo đó, hành vi phạm tội của người giăng bẫy điện cho thấy đã sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Dù người giăng bẫy điện không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

    Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

    Do đó, hành vi phạm tội của người giăng bẫy điện đã cấu thành Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể:

    1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

    a) Giết 02 người trở lên;

    b) Giết người dưới 16 tuổi;

    c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

    d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

    đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

    g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

    h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

    i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

    k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

    l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

    m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

    n) Có tính chất côn đồ;

    o) Có tổ chức;

    p) Tái phạm nguy hiểm;

    q) Vì động cơ đê hèn.

    2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

    3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

    Vì vậy, đây cũng là bài học cảnh báo chung cho việc sử dụng điện bừa bãi, không có biện pháp đúng đắn để bảo vệ tài sản của mình, gây hậu quả chết người. Những hành vi vi phạm này đều sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

    Trân trọng!

    21