Đưa thi hài, hài cốt, tro cốt của người chết ở nước ngoài về Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc gì?
Nội dung chính
Đưa thi hài, hài cốt, tro cốt của người chết ở nước ngoài về Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc gì?
Việc đưa thi hài, hài cốt, tro cốt của người chết ở nước ngoài về Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2011/TT-BNG quy định thủ tục cấp giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam do Bộ Ngoại giao ban hành như sau:
- Việc đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam phải phù hợp với nguyện vọng của thân nhân người chết, truyền thống của dân tộc và phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy phép.
- Việc vận chuyển thi hài, hài cốt, tro cốt qua biên giới phải tuân thủ các quy định pháp luật về hải quan, kiểm dịch y tế của Việt Nam và của nước ngoài có liên quan.
- Các chi phí liên quan tới việc đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam do người đề nghị cấp Giấy phép hoặc thân nhân người chết chi trả.
Bên cạnh đó, tại Thông tư này còn có quy định về các trường hợp thi hài, hài cốt, tro cốt được đưa về Việt Nam bao gồm:
- Công dân Việt Nam có đăng ký thường trú tại Việt Nam;
- Người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thân nhân (cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, chồng, vợ, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ruột của người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại) thường trú tại Việt Nam;
- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Lưu ý:
Nếu thi hài của người chết mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì sẽ không được đưa về Việt Nam. Cụ thể, các bệnh này gồm: bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola); Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.