13:00 - 20/09/2024

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những nhiệm vụ và quyền hạn gì trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp? Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội?

Nội dung chính

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

    Căn cứ Khoản 9 Điều 2 Nghị định 62/2022/NĐ-CP nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau:

    - Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

    - Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; tiêu chí cụ thể phân loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

    - Quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, văn bằng tương đương đối với những người tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề ở nước ngoài;

    - Xây dựng và ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp; quy định về đào tạo thường xuyên và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp;

    - Xây dựng công bố theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

    - Hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quy định việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

    - Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường cao đẳng đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh);

    - Quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên;

    - Quyết định thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng, thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục theo thẩm quyền;

    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức thực hiện.

    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những nhiệm vụ và quyền hạn gì trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp? (Hình Internet)

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội?

    Căn cứ Khoản 10 Điều 2 Nghị định 62/2022/NĐ-CP nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như sau:

    - Tham mưu xây dựng, ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

    - Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động?

    Theo Khoản 11 Điều 2 Nghị định 62/2022/NĐ-CP nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động như sau:

    + Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; lập hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;

    + Quy định việc bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;

    + Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của các bộ liên quan theo quy định của pháp luật; chủ trì thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

    + Chủ trì ban hành danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;

    + Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý;

    + Ban hành quy trình kiểm định máy, thiết bị, vật tư và quản lý chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý;

    + Quy định, hướng dẫn việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;

    + Điều tra tai nạn lao động; tổ chức thực hiện và hướng dẫn thực hiện việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;

    + Hướng dẫn, tổ chức triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.

     

    3