Bình Thuận: Diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi đất quá nhỏ thì có được tiếp tục yêu cầu bồi thường không?
Nội dung chính
Giá đất để bồi thường đất tại Bình Thuận hiện nay như thế nào?
Theo Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định về giá đất cụ thể để bồi thường, đấu giá, giao đất, cho thuê đất như sau:
- Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 74, Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai; Điều 15, Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quy định về giá đất (gọi tắt là Nghị định số 44/2014/NĐ-CP), Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
- Chậm nhất đến ngày 01 tháng 12 hàng năm, các chủ đầu tư thực hiện công trình dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đấu giá đất trong năm tiếp theo phải rà soát và đăng ký danh mục gửi về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh hoặc huyện (sau này gọi là Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện) để tổng hợp danh mục các công trình, dự án trên địa bàn của toàn huyện để:
+ Chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định;
+ Chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể;
+ Trường hợp, công trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phát sinh sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch định giá đất cụ thể thì các sở, ngành, địa phương gửi văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung.
- Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đấu giá đất có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định của pháp luật về đấu thầu và hợp đồng để thực hiện xác định giá đất cụ thể cho từng công trình, dự án theo quy định. Kết quả thực hiện nộp hồ sơ về Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận để thẩm tra, tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định theo quy định hiện hành.
- Kinh phí thuê Đơn vị tư vấn và thẩm định giá đất cụ thể xác định như sau:
+ Phục vụ việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được sử dụng từ nguồn kinh phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án;
+ Công trình đấu giá đất: Phục vụ thu ngân sách của tỉnh do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm; phục vụ thu ngân sách của huyện do ngân sách huyện đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm;
+ Công trình giao đất, cho thuê đất do ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện theo kế hoạch phân khai kinh phí hàng năm.
Bình Thuận: Diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi đất còn lại quá nhỏ thì có được tiếp tục yêu cầu bồi thường không?
Bồi thường khi thu hồi đất ở tại Bình Thuận?
Căn cứ Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-UBND) quy định về bồi thường về đất khi thu hồi đất ở như sau:
- Thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai và Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP;
- Mức đất ở tái định cư cho từng hộ gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP đối với trường hợp trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì mỗi hộ gia đình được giao đất ở theo mức sau:
+ Hộ chính được giao 01 lô đất ở tại khu tái định cư tập trung;
+ Các hộ còn lại nếu không còn đất ở, nhà ở nào khác và có đơn xin giao đất ở thì Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện tổng hợp, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giao đất ở tại các khu dân cư cho các hộ dân tùy theo quỹ đất ở của địa phương.
- Việc giải quyết đất ở theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện khi các cặp vợ chồng không có đất ở, nhà ở nào khác tại xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi và đã sinh sống ổn định trên diện tích đất thu hồi trước thời điểm Nhà nước có thông báo thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở hoặc hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 có nguồn gốc do lấn, chiếm mà thực tế đang ở từ thời điểm lấn chiếm đến thời điểm có thông báo thu hồi đất, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được Nhà nước giao 01 lô đất ở tại các khu dân cư trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
- Việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu tiền sử dụng đất các trường hợp tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 4 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, tiền sử dụng đất các trường hợp tại Điểm b Khoản 2 Điều này được thực hiện theo Khoản 2 Điều 31 Quy định này; tiền sử dụng đất các trường hợp theo Khoản 4 Điều này được xác định theo giá đất cụ thể tính bằng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định giao đất; giá bán nhà ở, căn hộ tái định cư là giá do chủ đầu tư đề nghị được Sở Xây dựng thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Trường hợp người bị thu hồi đất thuộc diện hộ nghèo (có sổ hộ nghèo), ngoài số tiền miễn, giảm tiền sử dụng đất chính sách hộ nghèo theo quy định pháp luật, còn được Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 50% tiền sử dụng đất theo suất tái định cư tối thiểu do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Quy định này.
- Hộ gia đình, cá nhân được giải quyết giao đất ở mà không đủ điều kiện bố trí tái định cư nhưng thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp, tiền bồi thường ít (giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn giá trị lô đất ở được giao) mà có nguyện vọng được ghi nợ tiền sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và giao Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện xét tính pháp lý từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể trong việc xác định đối tượng, điều kiện xem xét giải quyết đất ở và cho ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy đối với các hộ gia đình đông người đủ điều kiện tách thành từng hộ riêng thì khi thu hồi đất ơ, hộ chính sẽ được giao 01 lô đất ở khu tái định cư tập trung. Các hộ còn lại nếu không có đất hoặc nhà ở khác thì sẽ làm đơn xin giao đất và được bố trí giao đất ở tại khu dân cư theo quỹ đất của địa phương.
Bồi thường đối với phần diện tích đất còn lại sau khi thu hồi đất?
Theo Điều 20 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định như sau:
“Điều 20. Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất còn lại sau khi thu hồi
1. Trường hợp đất nông nghiệp sau khi bị thu hồi phần diện tích còn lại không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp hoặc không thể chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác; nếu hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Tổ chức trực tiếp thực hiện bồi thường báo cáo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện xem xét, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
2. Trường hợp diện tích đất ở sau khi bị thu hồi còn lại nhỏ hơn diện tích hạn mức tối thiểu tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc phần đất còn lại không phù hợp quy hoạch để xây dựng nhà ở, nếu người bị thu hồi đất có đơn yêu cầu thì Nhà nước xem xét thu hồi và bồi thường toàn bộ diện tích đất theo quy định.
3. Việc thu hồi diện tích đất theo khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải điều chỉnh quy mô dự án đầu tư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của công trình, dự án đó.
4. Việc quản lý diện tích đất thu hồi nói trên được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo quy định hiện hành đối với trường hợp thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Riêng trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế thì Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao cho chủ dự án sử dụng theo quy định mà không phải lập dự án bổ sung.”
Như vậy, đối với trường hợp sau khi thu hồi đất mà diện tích đất nông nghiệp còn lại không đủ để sản xuất nông nghiệp hoặc không thể chuyển mục đích sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân có thể yêu cầu Cơ quan Nhà nước tiến hành thu hồi đất và bồi thường.
Trường hợp đất ở sau khi bị thu hồi mà phần còn lại không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa thì hộ gia đình, cá nhân có thể yêu cầu Cơ quan Nhà nước thu hồi đất và tiến hành bồi thường.