Hộ gia đình, cá nhân tại Bình Thuận bị thu hồi đất nông nghiệp thì có được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề không?
Nội dung chính
Khi thu hồi đất nông nghiệp tại Bình Thuận thì hộ gia đình, cá nhân có được hỗ trợ gì không?
Theo Điều 24 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định như sau:
“Điều 24. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai; Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
2. Mức hỗ trợ theo hình thức bằng tiền mức 2,5 (hai phẩy năm) lần giá đất nông nghiệp cùng loại theo bảng giá đất Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
3. Người được hỗ trợ nếu còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu được đào tạo nghề giải quyết việc làm, thì ngoài việc hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, còn được hỗ trợ đào tạo nghề giải quyết việc làm theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể được thực hiện theo Điểm 4 Công văn số 600/UBND-KGVX ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.”
Như vậy, khi bị thu hồi đất nông nghiệp thì hộ gia đình, cá nhân sẽ được hỗ trợ tiền bằng 2.5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại theo bản giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt quá hạn mức giao đất địa phương thì không được hỗ trợ.
Trường hợp cá nhân được hỗ trợ đang trong độ tuổi lao động nếu như có nguyện vọng được đào tạo nghề thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo quy định pháp luật.
Hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân tại Bình Thuận?
Theo Điều 25 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định như sau:
“Điều 25. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở
1. Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật Đất đai và Điều 21 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
2. Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở, còn trong độ tuổi lao động, có nhu cầu được đào tạo nghề thì được hỗ trợ theo Điểm 4 Công văn số 600/UBND-KGVX ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh.”
Như vậy, đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở có nhu cầu đào tạo nghề thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ.
Hộ gia đình, cá nhân tại Bình Thuận bị thu hồi đất nông nghiệp thì có được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề không?
Các trường hợp được hỗ trợ khác theo chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận khi thu hồi đất?
Theo khoản 3 Điều 29 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 08/2015/QĐ-UBND (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định như sau:
“Điều 29. Hỗ trợ khác
...
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ khác như sau:
a) Hỗ trợ khác bảo đảm ổn định có chỗ ở.
a.1) Người đủ điều kiện được giao đất tái định cư, đã bàn giao đất cho Nhà nước nhưng chưa nhận được đất tái định cư thì được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ để thuê nhà ở. Thời gian hỗ trợ được tính từ khi bàn giao đất cho Nhà nước đến khi được giao đất tái định cư.
a.2) Người bị thu hồi đất phải di chuyển mà không còn chỗ ở khác (kể cả trường hợp quy định trên), trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới tại khu tái định cư thì được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ để thuê nhà ở. Thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà ở tối đa là 6 tháng kể từ ngày giao đất tái định cư.
a.3) Trước khi giao đất tái định cư, Hội đồng bồi thường cấp huyện phải có thông báo bằng văn bản cho từng hộ về thời gian bố trí đất tại khu tái định cư làm cơ sở cho việc tính hỗ trợ tiền thuê nhà ở.
a.4) Đối với trường hợp tự tạo lập chỗ ở mới (không nhận đất tái định cư) thì cũng được hỗ trợ 2.000.000 (hai triệu) đồng/tháng/hộ và thời gian được hỗ trợ là 06 tháng.
b) Hỗ trợ đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi.
b.1) Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (kể cả sinh sống trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng mà đất không đủ điều kiện bồi thì được hỗ trợ 50% giá loại đất nông nghiệp bị thu hồi theo Bảng giá đất của Ủy ban nhân dân tỉnh; diện tích được tính hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
b.2) Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở hoặc đất có nhà ở không thuộc đối tượng được hỗ trợ quy định tại Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 23 Quy định này thì được hỗ trợ ổn định đời sống là 1.000.000 (một triệu) đồng/nhân khẩu đối với trường hợp không phải di chuyển chỗ ở và 1.500.000 (một triệu, năm trăm nghìn) đồng/nhân khẩu đối với trường hợp phải di chuyển chỗ ở. Nhân khẩu được xác định theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại thời điểm thông báo thu hồi đất.
c) Hỗ trợ khen thưởng đối với người có đất hoặc có tài sản bị thu hồi chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và kế hoạch thu hồi đất, giao mặt bằng trước hoặc đúng thời gian. Mức thưởng cho mọi trường hợp tối thiểu không dưới 1.000.000 (một triệu) đồng/trường hợp và tối đa không quá 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng/trường hợp. Tiền hỗ trợ khen thưởng được phê duyệt trong phương án bồi thường do chủ đầu tư chi trả. Cụ thể mức thưởng như sau:
c.1) Đối với trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ dưới 10 triệu đồng, mức thưởng 01 (một) triệu đồng;
c.2) Tiền bồi thường, hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, mức thưởng 05 (năm) triệu đồng;
c.3) Tiền bồi thường, hỗ trợ từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mức thưởng 10 (mười) triệu đồng;
c.4) Tiền bồi thường, hỗ trợ thu hồi từ 500 triệu đồng trở lên, mức thưởng 15 (mười lăm) triệu đồng.
c.5) Đối với trường hợp hiến đất, mức thưởng là 1.000.000 (một triệu) đồng cho một trường hợp. Đối với trường hợp đặc biệt có diện tích hiến đất lớn hoặc công trình có tính đặc thù thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho từng trường hợp cụ thể, nhưng không được vượt quá 15.000.000 (mười lăm triệu) đồng cho mỗi trường hợp.
d) Hỗ trợ đối với nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng không đủ điều kiện bồi thường do vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai và cắm mốc giới được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền thì được hỗ trợ như sau:
d.1) Hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với các nhà, công trình tạo lập trước 15 tháng 10 năm 1993.
d.2) Hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với nhà, công trình tạo lập từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004.
d.3) Hỗ trợ bằng 30% mức bồi thường theo quy định tại Điều 35 Quy định này đối với các trường hợp còn lại trừ tiết d.4 Điểm này (kể cả trường hợp có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền).
d.4) Nhà, công trình xây dựng không đủ điều kiện bồi thường được tạo lập kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau không được hỗ trợ.
đ) Hộ gia đình bị thu hồi đất có mức sống thuộc diện hộ nghèo (có sổ công nhận hộ nghèo) thì được hỗ trợ là 5.000.000 (năm triệu) đồng/hộ.
e) Hỗ trợ gia đình chính sách, hộ gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước theo xác nhận của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội khi phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi nhà ở, đất ở như sau:
e.1) Người hoạt động Cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động Cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thân nhân của liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên: Được hỗ trợ 7.000.000 (bảy triệu) đồng/hộ dân.
e.2) Hộ gia đình có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khác của Nhà nước: Được hỗ trợ 5.000.000 (năm triệu) đồng/hộ dân.
e.3) Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều người thuộc diện được hưởng một trong các mức hỗ trợ trên thì hộ gia đình chỉ được tính hỗ trợ một lần theo mức cao nhất.
g) Hỗ trợ khác cho người có đất bị thu hồi được xác định không phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
g.1) Về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Đối với nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp được tính bằng 50% số tiền tương đương 30 (ba mươi) kg gạo trong một tháng. Số tháng hỗ trợ căn cứ vào tỷ lệ đất bị thu hồi như theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 23.
g.2) Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm: Đối với nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp được tính bằng 50% mức bình quân của khoản hỗ trợ theo Khoản 2 Điều 24 Quy định này chia cho tổng số khẩu trong hộ.
g.3) Đối với nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) thì không được hỗ trợ.
h) Hỗ trợ khác đối với diện tích đất thuộc hành lang an toàn lưới điện cao áp từ 110 kV trở lên như sau:
h.1) Đất nông nghiệp thuộc hành lang an toàn lưới điện cao áp từ 110 kV trở lên ngoài mức hỗ trợ theo Điểm b Khoản 3 Điều 15 Quy định này, còn được hỗ trợ khác bằng 20% mức bồi thường tính trên diện tích đất trong hành lang, theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
h.2) Đối với diện tích đất không đủ điều kiện hỗ trợ theo Khoản 3 Điều 15 Quy định này được hỗ trợ khác bằng 30% mức bồi thường tính trên diện tích đất trong hành lang, theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
i) Ngoài việc hỗ trợ quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và các khoản hỗ trợ khác theo quy định tại Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và tình hình đặc thù của từng dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định các biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất và có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất.”
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất tại Bình Thuận có thể nhận được những khoản hỗ trợ khác như hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống; hỗ trợ bảo đảm ổn định chỗ ở; hỗ trợ khen thưởng khi chấp hành tốt quyết định thu hồi đất; hỗ trợ đối với nhà cửa, kiến trúc không đủ điều kiện bồi thường; hỗ trợ gia đình hộ nghèo, gia đình chính sách,…