Những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

Những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường để công trình đạt hiệu quả sử dụng cao, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Nội dung chính

    Những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

    Dưới đây là những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường:

    (1) Đánh giá, tìm hiểu kỹ về vật liệu

    Việc lựa chọn vật liệu cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá toàn diện về nguồn gốc, quá trình sản xuất và khả năng tái chế sau sử dụng.

    Những vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như gỗ được khai thác bền vững, tre, đất nung, đá tự nhiên hoặc các vật liệu tái chế như gạch không nung, bê tông tái sử dụng và kính tái chế cần được ưu tiên.

    Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở yếu tố xuất xứ, quá trình sản xuất vật liệu cũng phải tiêu tốn ít năng lượng, phát thải thấp và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

    Cũng cần bảo đảm rằng các thành phần này không chứa các hợp chất độc hại, có khả năng bay hơi hoặc phát thải hóa chất nguy hiểm trong quá trình sử dụng.

    Sử dụng các vật liệu an toàn sẽ góp phần nâng cao chất lượng không khí trong nhà, giảm thiểu nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

    (2) Giảm thiểu việc lãng phí nguyên liệu

    Thiết kế bản vẽ kỹ thuật chi tiết, thi công đúng kỹ thuật và sử dụng hiệu quả từng loại vật liệu sẽ giúp hạn chế lượng rác thải xây dựng, đồng thời tối ưu chi phí đầu tư.

    Ngoài ra, có thể xem xét các giải pháp xây dựng theo mô-đun hoặc lắp ghép sẵn để rút ngắn thời gian thi công, hạn chế tiếng ồn và bụi bẩn, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh khu vực xây dựng.

    (3) Quan tâm về điều kiện thời tiết tại nơi xây dựng

    Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là sự hài hòa giữa vật liệu xây dựng và điều kiện khí hậu tại địa phương.

    Các vật liệu có khả năng cách nhiệt tốt, chống ẩm hiệu quả và điều hòa nhiệt độ tự nhiên sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị làm mát hoặc sưởi, từ đó tiết kiệm năng lượng cho công trình trong suốt quá trình vận hành.

    (4) Duy trì, bảo dưỡng nhà ở, vật liệu

    Việc duy trì và bảo trì công trình sau khi đưa vào sử dụng cũng cần được chú trọng.

    Các vật liệu thân thiện với môi trường thường có tuổi thọ cao nếu được sử dụng và bảo dưỡng đúng cách.

    Kểm tra định kỳ, sửa chữa kịp thời và vệ sinh thường xuyên sẽ giúp công trình duy trì được tính thẩm mỹ, hiệu quả sử dụng và tiếp tục phát huy các giá trị bền vững theo thời gian.

    Những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

    Những lưu ý khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường (Hình từ Internet)

    Những điều nên tránh khi xây dựng nhà bằng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

    (1) Không kiểm tra kỹ về nguồn gốc vật liệu

    Không ít loại vật liệu được dán nhãn “xanh” nhưng thực chất không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bền vững.

    Việc sử dụng những vật liệu không rõ xuất xứ, thiếu kiểm định hoặc chưa được thử nghiệm thực tế trong điều kiện khí hậu địa phương có thể dẫn đến hậu quả về mặt kỹ thuật, như nhanh hư hỏng, kém hiệu quả cách nhiệt hoặc gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

    (2) Thiếu đồng nhất trong sử dụng vật liêu

    Việc sử dụng kết hợp không đồng bộ giữa các loại vật liệu truyền thống và vật liệu thân thiện với môi trường mà không tính đến tính tương thích về kết cấu và khả năng chịu lực.

    Sự thiếu đồng nhất trong thiết kế và thi công có thể gây ra sự cố kỹ thuật, làm giảm tuổi thọ công trình và tăng chi phí sửa chữa về sau.

    Đặc biệt, một số vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, đất nén cần được xử lý đúng quy trình để bảo đảm khả năng chống mối mọt, ẩm mốc và chịu lực theo yêu cầu kỹ thuật.

    (3) Đánh giá thấp vai trò của việc thiết kế

    Việc chỉ tập trung vào vật liệu mà bỏ qua yếu tố thiết kế thông gió, đón sáng tự nhiên, cách nhiệt thụ động hoặc bố trí công năng không phù hợp sẽ khiến cho các vật liệu thân thiện với môi trường không phát huy được hết công năng.

    (4) Lựa chọn đội ngũ thi công không phù hợp

    Khi triển khai xây dựng, nếu đội ngũ thi công không được đào tạo đúng cách hoặc không có kinh nghiệm với vật liệu thân thiện với môi trường, có thể xảy ra tình trạng thi công sai quy trình, làm hỏng vật liệu, gây lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể của công trình.

    Cần tránh tình trạng xử lý vật liệu tùy tiện, cắt ghép không đúng kỹ thuật hoặc bảo quản không đúng cách dẫn đến hư hỏng trước khi đưa vào sử dụng.

    Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng

    Theo Điều 4 Luật xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như quy định như sau:

    - Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    - Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.

    - Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    - Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

    - Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

    - Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định Luật xây dựng 2014.

    - Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    - Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.

    - Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

    saved-content
    unsaved-content
    183