Những loại vật liệu không nung phổ biến trong xây dựng hiện nay

Vật liệu không nung là gì? Ưu và nhược điểm của vật liệu không nung? Những loại vật liệu không nung phổ biến trong xây dựng hiện nay.

Nội dung chính

    Vật liệu không nung là gì?

    Vật liệu không nung là loại vật liệu xây dựng được sản xuất mà không cần qua quá trình nung đốt ở nhiệt độ cao như vật liệu truyền thống. Thay vào đó, chúng được tạo thành từ các nguyên liệu như xi măng, cát, đá mạt, tro bay,... và được ép hoặc rung nén để tạo hình.

    Nhờ công nghệ sản xuất này, vật liệu không nung không chỉ giảm thiểu khí thải CO₂ mà còn tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hướng tới xu hướng xây dựng xanh và bền vững.

    Những loại vật liệu không nung phổ biến trong xây dựng hiện nayNhững loại vật liệu không nung phổ biến trong xây dựng hiện nay (Hình từ Internet)

    Ưu và nhược điểm của vật liệu không nung?

    (1) Ưu điểm

    - Bảo vệ môi trường: Quá trình sản xuất không nung giúp giảm thiểu lượng khí CO₂ và các chất thải độc hại ra môi trường so với vật liệu nung truyền thống. Tận dụng các phế thải công nghiệp như tro bay, xỉ than, cát, đá mạt để làm nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.

    - Tiết kiệm năng lượng: Không sử dụng nhiên liệu để nung đốt, giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng trong quá trình sản xuất. Quy trình sản xuất đơn giản, không cần nhiệt độ cao như sản xuất vật liệu nung.

    - Độ bền cao, chịu lực tốt: Vật liệu không nung có khả năng chịu lực và cách nhiệt tốt. Bền vững theo thời gian và ít bị biến dạng, nứt vỡ khi sử dụng.

    - Cách âm, cách nhiệt tốt: Vật liệu không nung có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, giúp công trình tiết kiệm chi phí điện năng cho việc điều hòa không khí.

    - Giảm trọng lượng công trình: Khối lượng nhẹ hơn so với vật liệu nung truyền thống, giúp giảm tải trọng cho kết cấu công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng.

    - Dễ thi công và tiết kiệm chi phí: Kích thước của vật liệu không nung lớn hơn vật liệu nung truyền thống, giúp giảm công thợ và thời gian thi công. Quá trình sản xuất không phức tạp và có chi phí thấp hơn.

    - Đa dạng về kích thước và mẫu mã: Vật liệu không nung có thể sản xuất với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau, đáp ứng đa dạng nhu cầu của công trình xây dựng.

    - An toàn cho sức khỏe: Vật liệu không nung không sinh ra khí độc hại trong quá trình sử dụng, đảm bảo an toàn cho người thi công và người sử dụng.

    (2) Nhược điểm

    Độ hút nước của vật liệu không nung cao, nếu không xử lý tốt sẽ gây hiện tượng ẩm mốc, rạn nứt công trình.

    Những loại vật liệu không nung phổ biến trong xây dựng hiện nay

    (1) Gạch không nung

    Gạch không nung là loại gạch được sản xuất mà không cần phải trải qua quá trình nung trong lò như gạch đất sét truyền thống.

    Thay vào đó, gạch không nung được tạo thành từ các nguyên liệu như xi măng, cát, đá, bột đá, vôi và phụ gia khác, sau khi được trộn đều và ép thành khuôn, sẽ cứng lại dưới tác dụng của áp lực và hóa chất mà không cần nhiệt độ cao.

    >>> Xem thêm: Gạch không nung là gì? Những lợi ích khi sử dụng gạch không nung trong xây dựng

    (2) Gạch ACC

    Gạch ACC hay còn gọi là gạch bê tông khí chưng áp, là loại gạch được sản xuất từ hỗn hợp xi măng, vôi, thạch cao, cát, và một lượng nhỏ bột nhôm dưới tác dụng của hơi nước và áp suất cao trong nồi chưng áp.

    Gạch ACC có cấu trúc rỗng bên trong, giúp giảm trọng lượng và tăng khả năng cách âm, cách nhiệt.

    >>> Xem thêm: Gạch ACC là gì? Ưu và nhược điểm của gạch ACC là gì?

    (3) Đá chẻ

    Đá chẻ là loại đá tự nhiên được khai thác và chế biến bằng cách chẻ từ các khối đá lớn thành các viên đá nhỏ có kích thước và hình dạng không đồng đều. Đá chẻ thường được sử dụng trong các công trình xây dựng, trang trí, hoặc lát nền do tính thẩm mỹ và độ bền cao của nó.

    >>> Xem thêm: Đá chẻ là gì? Có những loại đá chẻ nào? Ưu và nhược điểm của các loại đá chẻ?

    (4) Tấm tường panel ACC

    Tấm tường Panel ACC là loại tấm tường được sản xuất từ bê tông khí chưng áp hay còn gọi là bê tông nhẹ, có cấu trúc rỗng bên trong.

    Tấm tường Panel ACC được sử dụng chủ yếu trong xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng, khu căn hộ, văn phòng hay các công trình cần khả năng cách nhiệt, cách âm và tiết kiệm chi phí.

    >>> Xem thêm: Tấm tường panel ACC là gì? Ưu và nhược điểm của tấm tường panel ACC

    Chính phủ triển khai đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu không nung

    Ngày 23/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2171/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam đến năm 2030.

    Quyết định nhằm mục đích đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

    Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu không nung trong các công trình theo quy định; Giảm phát thải khí CO₂ vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3,0 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).

    Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.

    13