Nên thuê phòng trọ một mình hay ở ghép? Ở ghép mang lại những lợi ích gì?

Để có thể tiết kiệm chi phí khi thuê phòng trọ, nhiều người chọn cách ở ghép. Tuy nhiên, hiện nay không hề hiếm các trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn khi ở ghép.

Nội dung chính

    Nên thuê phòng trọ một mình hay ở ghép?

    Ở ghép là hình thức thuê nhà, phòng trọ chung với một hoặc nhiều người khác, cùng nhau san sẻ không gian sinh hoạt chung, gần như tất cả không gian trong căn nhà với nhiều mục đích khác nhau. Có nhiều cách lựa chọn người ở ghép như ở ghép với những người lớn tuổi hơn (thường là đã đi làm), bằng tuổi và nhỏ tuổi hơn mình. Trong khi đó, ở trọ một mình nghĩa là bạn sẽ “bao thầu” toàn bộ không gian căn phòng. Hình thức thuê trọ một mình được khá nhiều người lựa chọn, nhất là những ai yêu thích không gian riêng tư.

    Đối với các bạn sinh viên, người mới nhập cư thì chuyện ra ở trọ là một điều tất yếu. Nhưng không phải ai cũng có khả năng kinh tế để thuê phòng trọ một mình . Khi đó, bắt buộc phải trọ ghép cùng một người khác. Việc ra ở trọ có nghĩa là bạn phải sống một cách tự lập. Nhất là đối với các bạn tân sinh viên, người bị động không học được cách sống tự lập thì điều đó là một bước khởi đầu khá khó khăn. Ở ghép là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường hợp đã ở ghép với nhau từ trước, nhưng cũng có trường hợp phải ở ghép với người xa lạ. 

    Hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi ở ghép để tránh những vấn đề không đáng có.

    Nên thuê phòng trọ một mình hay ở ghép? Ở ghép mang lại những lợi ích gì? (Hình từ Internet)

    Ở ghép mang lại những lợi ích gì?

    Tiết kiệm các khoản chi phí một cách tối đa

    Có thể nói, tiết kiệm chi phí là một trong những tiêu chí hàng đầu khi ở ghép. Không chỉ giảm bớt tiền phòng, mà các khoản chi phí sinh hoạt khác như tiền điện, nước, mạng cũng được giảm thiểu một cách tối đa.

    Nếu như bạn đang ở trọ một mình, mỗi tháng khoản tiền bạn phải chi trả sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2 triệu đồng (bao gồm tiền nước, tiền điện, tiền mạng, phí dịch vụ, vệ sinh,...) đây là một khoản phí không hề nhỏ. Còn nếu ở ghép, khoản chi phí nhà cửa điện nước nói trên sẽ được giảm thiểu một cách tối đa. Gỉa dụ bạn ở chung với một người nữa thì trung bình mỗi tháng bạn chỉ tốn khoảng chưa tới 1 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Chưa kể, để có thể tiết kiệm hơn, bạn hoàn toàn có thể ở ghép chung với một hoặc hai người khác nữa.

    Đối với sinh viên hoặc người lao động, nhân viên công sở mức lương chưa cao, thì không nghi ngờ gì nữa, ở ghép chính là một trong những phương thức phù hợp nhất.

    Tránh được cảm giác cô đơn, buồn tủi

    Ở ghép, nghĩa là bạn đồng ý chia sẻ cuộc sống của mình với một người khác, không nhiều thì ít. Ở một mình, bạn sẽ hoàn toàn phải “tự thân vận động”, tự lo từ bữa ăn, giấc ngủ, cuộc sống của chính bản thân mình. Còn ở ghép, cả hai hoặc nhiều người sẽ cùng chia sẻ cuộc sống với nhau. Đi làm về có sẵn cơm ăn, nước uống, buổi sáng có người gọi dậy, buổi tối có người cùng thức khuya hoặc nhắc nhở bạn ngủ sớm, cuộc sống sẽ thú vị hơn nhiều.

    Hơn nữa, nếu ở ghép, sức khỏe của bạn sẽ được bảo đảm hơn nhiều. Nếu như bạn chẳng may bị ốm, bị sốt hoặc có vấn đề về sức khỏe, người bạn ở ghép hoàn toàn có thể chăm sóc sức khỏe cho bạn, không để bạn cô đơn, một mình.

    Sống có trách nhiệm hơn

    Đa phần khi ở một mình, chúng ta hiếm khi nào chịu bày vẽ, nhất là trong vấn đề nấu nướng. Bạn hoàn toàn có thể lười biếng, ăn cơm ngoài, thậm chí là nhịn cho qua bữa. Chưa kể, ở một mình, thường chúng ta có xu hướng bừa bộn hơn và lộn xộn hơn. Bởi vì khi ở một mình, chúng ta không sợ ảnh hưởng đến người khác, hoặc bị soi mói, phán xét vì lối sống...bừa bộn hoặc không ngăn nắp. Chính vì thế, bạn sẽ dần sinh ra tính ỷ lại, lười dọn dẹp, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chính bản thân mình.

    Trong khi đó, nếu như bạn chung sống mái nhà với một hoặc nhiều người khác, vì nhiều yếu tố khách quan khác nhau, bắt buộc bạn phải sống trách nhiệm hơn, giảm bớt lối sống buông thả.

    Cuộc sống trôi qua thú vị hơn

    Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhìn thấy ngôi nhà của mình sáng đèn, đó cũng là một loại hạnh phúc. Không phải một mình một cõi, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ cuộc sống của bản thân mình với người cùng nhà. Những ấm ức, buồn tủi hoặc hạnh phúc đều có thể được chia sẻ với nhau.

    Những nhược điểm của việc ở ghép

    Không có không gian riêng tư

    Chấp nhận ở ghép nghĩa là bạn chấp nhận chia sẻ một hoặc nhiều phần không gian cho những người khác. Như vậy, việc sở hữu một khoảng không gian riêng tư dường như là việc không hề dễ dàng. Khi làm hoặc thực hiện những hoạt động trong không gian chung của 2 người, bạn cần phải có sự tôn trọng nhất định đối với đối phương. Việc “chiếm cứ” không gian riêng hoàn toàn không phù hợp, vì vậy, sẽ có rất nhiều trường hợp cuộc sống riêng của bạn bị “phơi bày” trước người khác.

    Mâu thuẫn giữa các thành viên

    Mâu thuẫn xảy ra giữa những người ở ghép là một trong những lý do phổ biến nhất khiến cuộc sống của bạn và đối phương dần trở thành “địa ngục”. Vì mỗi người đều có một quan điểm sống khác nhau, cách sống khác nhau nên việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống chung khi ở ghép là không thể tránh khỏi. Quan trọng là cả hai có biết nhường nhịn nhau hay không, có chịu khó “chia ngọt xẻ bùi” với nhau hay không. Mâu thuẫn giữa những người ở ghép với nhau có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau

    Không hiểu được đối phương

    Nếu như bạn muốn tiết kiệm chi phí mà tìm người ở ghép, bạn bắt buộc phải tìm hiểu thật kỹ càng và chính xác về thông tin của người bạn cùng phòng. Rất nhiều trường hợp sau một thời gian ở chung thì phát hiện ra một số tài sản, đồ vật của bản thân cứ không cánh mà bay, từ cái áo, cái quần đến tiền bạc, điện thoại,...Có rất nhiều phi vụ gian tặc giả dạng thành sinh viên ở ghép, sau một thời gian chiếm được lòng tin của các thành viên trong căn phòng thì không ngần ngại “cuỗm” hết tất cả tài sản và cao chạy xa bay, để lại những sinh viên nghèo khổ ngơ ngác với gánh nặng ngập đầu.

    13