Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì? Chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức nào?
Nội dung chính
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024, quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
12. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
...
Hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định trên, có thể hiểu chuyển nhượng quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất (bên chuyển nhượng) chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình cho người khác (bên nhận chuyển nhượng).
Chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức nào?
Tại khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 cung nêu rõ chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức sau đây:
- Chuyển đổi;
- Chuyển nhượng;
- Thừa kế;
- Tặng cho quyền sử dụng đất;
- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì? Chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức nào? (Hình từ Internet)
Quy định về quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới nhất
Căn cứ theo Điều 27 Luật Đất đai 2024 quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
(1) Người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình theo quy định của Luật Đất đai 2024 và các luật có liên quan khác.
(2) Nhóm người sử dụng đất có chung quyền sử dụng đất thì được quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ như sau:
- Nếu nhóm người sử dụng đất bao gồm các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân, quyền và nghĩa vụ của từng thành viên trong nhóm sẽ tương đương với quyền và nghĩa vụ của cá nhân.
- Nếu nhóm bao gồm tổ chức kinh tế thì quyền và nghĩa vụ sẽ tương ứng với quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế.
- Trường hợp quyền sử dụng đất được chia phần cho từng thành viên, thành viên muốn sử dụng quyền của mình phải đăng ký biến động hoặc tách thửa, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Nếu quyền sử dụng đất không thể phân chia theo phần thì các thành viên phải cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm.
(3) Về công chứng, chứng thực:
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ một số trường hợp đặc biệt.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên nếu một hoặc nhiều bên tham gia là tổ chức kinh doanh bất động sản.
- Việc công chứng, chứng thực các loại hợp đồng, văn bản trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngoài ra, ngoài việc đáp ứng những điều kiện trên thì người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các khoản 8 Điều 45, Điều 47, Điều 48 Luật Đất đai 2024 như: Đáp ứng điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho,…
Quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
Căn cứ Điều 23, 24 và 25 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai như sau:
(1) Quyền của công dân đối với đất đai
- Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
- Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
- Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
(2) Quyền tiếp cận thông tin đất đai
- Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
+ Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
+ Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai;
+ Giao đất, cho thuê đất;
+ Bảng giá đất đã được công bố;
+ Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
+ Thủ tục hành chính về đất đai;
+ Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
+ Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
- Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
- Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
- Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất.
- Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.