Tuyên bố về phát triển và tiến bộ xã hội, 1969

Số hiệu 2542/NQ
Ngày ban hành 11/12/1969
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ

VỀ PHÁT TRIỂN VÀ TIẾN BỘ XÃ HỘI, 1969

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết 2542 (XXIV) ngày 11/12/1969).

Đại Hội đồng,

Lưu ý rằng, trong Hiến chương các thành viên Liên Hợp Quốc đã cam kết tiến hành những hành động chung và riêng nhằm phối hợp với Liên Hợp Quốc thúc đẩy mức sống cao hơn, việc làm đầy đủ cùng các điều kiện về phát triển và tiến bộ về kinh tế, xã hội;

Khẳng định lại niềm tin vào các quyền và tự do cơ bản của con người, vào các nguyên tắc về hòa bình, phẩm giá và giá trị của con người cũng như về công bằng xã hội đã được nêu trong Hiến chương;

Nhắc lại các nguyên tắc trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, các Công ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố về quyền trẻ em, Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, Công ước quốc tế về loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Tuyên bố về thúc đẩy các tư tưởng về hòa bình tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau trong thanh niên, Tuyên bố về loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, cùng các nghị quyết có liên quan của Liên Hợp Quốc;

Ghi nhớ các chuẩn mực về tiến bộ xã hội đã được đặt ra trong Điều lệ các công ước, khuyến nghị và nghị quyết của Tổ chức Lao động quốc tế; Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc; Tổ chức Y tế thế giới; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên quan khác;

Tin tưởng rằng, con người chỉ có thể thực hiện được đầy đủ nguyện vọng của mình trong một trật tự xã hội công bằng, và do vậy, điều quan trọng cơ bản là phải tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội ở mọi nơi, theo đó đóng góp vào hòa bình và đoàn kết quốc tế;

Nhận thức rằng, cả hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển kinh tế tiến bộ xã hội có sự gắn bó chặt chẽ và ảnh hưởng lẫn nhau;

Nhận thức rằng, phát triển xã hội chỉ có thể được thúc đẩy thông qua cùng tồn tại hòa bình, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia có hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau;

Nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau của việc phát triển kinh tế và xã hội trong tiến trình tăng trưởng và thay đổi rộng rãi, cũng như tầm quan trọng của một chiến lược phát triển hội nhập, có tính đến mọi giai đoạn của các lĩnh vực xã hội;

Tiếc rằng, cho dù các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực nhưng tình hình xã hội thế giới vẫn chưa đạt được những tiến bộ thích đáng;

Ghi nhận rằng, trách nhiệm đầu tiên với phát triển của các nước đang phát triển là ở chính những quốc gia này và nhận thức về nhu cầu bức thiết phải thu hẹp, và thậm chí, loại bỏ khoảng cách về mức sống giữa các nước phát triển và đang phát triển về kinh tế, và vì vậy, các Quốc gia thành viên cần có trách nhiệm tuân thủ những chính sách đối nội và đối ngoại nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, đặc biệt là để hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao mức tăng trưởng kinh tế;

Ghi nhận tính cấp thiết phải dành những nguồn lực đang sử dụng một cách lãng phí vào các cuộc xung đột vũ trang và hủy diệt cho công việc hòa bình và tiến bộ xã hội;

Nhận thức về sự đóng góp mà khoa học kỹ thuật có thể mang lại nhằm đáp ứng nhu cầu chung của loài người;

Tin tưởng rằng, nhiệm vụ đầu tiên của tất của các quốc gia và tổ chức quốc tế là loại bỏ mọi tội ác và trở ngại đối với tiến bộ xã hội khỏi đời sống xã hội đặc biệt là những tội ác như bất bình đẳng, bóc lột chiến tranh, chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc;

Mong muốn thúc đẩy tiến bộ của loài người theo những mục tiêu này và vượt qua mọi trở ngại trong quá trình thực hiện;

Trịnh trọng công bố bản Tuyên bố về phát triển và tiến bộ xã hội này, đồng thời kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế hành động, sử dụng nó như một cơ sở chung của chính sách phát triển xã hội:

PHẦN 1: CÁC NGUYÊN TẮC

Điều 1.

Mọi dân tộc và mọi người đều có quyền được sống trong phẩm giá và tự do, được hưởng thành quả của các tiến bộ xã hội, và về phần mình, phải đóng góp cho thành quả đó, không có sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, dân tộc, nguồn gốc chủng tộc, gia đình hay địa vị xã hội, chính kiến hay các vấn đề khác.

Điều 2.

Phát triển và tiến bộ xã hội cần dựa trên cơ sở tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người, và để đảm bảo việc thúc đẩy các quyền con người và công bằng xã hội cần:

1. Loại bỏ ngay lập tức và triệt để mọi hình thức bất bình đẳng bóc lột các dân tộc và các cá nhân, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bao gồm chủ nghĩa phát xít và a-pác-thai, cũng như mọi chính sách và tư tưởng đối lập với các mục đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc;

2. Ghi nhận và thực hiện có hiệu quả các quyền dân sự và chính trị cũng như quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

Điều 3.

Sau đây là những điều kiện tiên quyết cho phát triển và tiến bộ xã hội:

1. Độc lập dân tộc dựa trên quyền tự quyết dân tộc;

2. Bảo đảm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia;

[...]