Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, 1960
Số hiệu | Khongso |
Ngày ban hành | 01/04/1960 |
Ngày có hiệu lực | |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Cơ quan ban hành | *** |
Người ký | *** |
Lĩnh vực | Quyền dân sự |
TUYÊN BỐ
VỀ TRAO TRẢ ĐỘC LẬP CHO CÁC NƯỚC VÀ CÁC DÂN TỘC THUỘC ĐỊA, 1960
(Được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 1/4/1960 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).
Đại Hội đồng,
Lưu ý đến quyết tâm đã được các dân tộc trên thế giới tuyên bố trong Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm tái khẳng định sự tin tưởng vào các quyền cơ bản của con người, nhân phẩm và giá trị của con người, quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và nhỏ, đồng thời nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và các tiêu chuẩn sống tốt đẹp hơn với sự tự do rộng rãi hơn;
Nhận thức sự cần thiết của việc tạo ra các điều kiện cho ổn định và phồn vinh cũng như mối quan hệ hòa bình và hữu nghị trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và sự tôn trọng rộng rãi và tuân thủ quyền con người và những tự do cơ bản dành cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo;
Thừa nhận sự khao khát cháy bỏng về tự do của các dân tộc phụ thuộc vào vai trò quyết định của các dân tộc đó trong việc giành được nền độc lập của họ;
Nhận thức rõ những xung đột đang tăng lên do sự chối bỏ hoặc những cản trở đối với con đường đến với tự do của các dân tộc này, đang gây ra sự đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình thế giới;
Xét vai trò quan trọng của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc trợ giúp phong trào độc lập tại các lãnh thổ quản thác và chưa tự quản;
Thừa nhận rằng, các dân tộc trên thế giới mong muốn mạnh mẽ việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức biểu hiện của nó;
Tin tưởng rằng, sự tiếp tục tồn tại của chủ nghĩa thực dân sẽ ngăn cản sự phát triển của hợp tác kinh tế quốc tế, gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các dân tộc phụ thuộc và cản trở ý tưởng của Liên Hợp Quốc về một nền hòa bình cho toàn thế giới;
Khẳng định rằng, các dân tộc có thể, vì các mục đích của chính mình, tự do định đoạt nguồn của cải và tài nguyên thiên nhiên mà không làm ảnh hưởng đến bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh từ việc hợp tác kinh tế quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và pháp luật quốc tế;
Tin tưởng rằng, tiến trình giải phóng là không thể thể cưỡng lại được và rằng để tránh những khủng hoảng nghiêm trọng, chủ nghĩa thực dân và tất cả những sự ngăn cách và phân biệt đối xử đi kèm theo nó phải bị kết thúc;
Hoan nghênh sự xuất hiện trong những năm gần đây của một số lượng lớn các lãnh thổ phụ thuộc trở thành tự do và độc lập, và thừa nhận những xu hướng mạnh mẽ đang tăng lên đối với tự do ở những lãnh thổ chưa giành được độc lập;
Nhận thức rằng, tất cả các dân tộc có quyền bất di bất dịch đối với tự do hoàn toàn và với sự thực hiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình;
Long trọng tuyên bố sự cần thiết thực hiện việc kết thúc nhanh chóng và không điều kiện chủ nghĩa thực dân cùng tất cả các hình thức biểu hiện của nó;
Và vì mục đích này
Tuyên bố rằng:
1. Sự nô dịch các dân tộc xuất phát từ ách cai trị, sự đô hộ và bóc lột của ngoại bang cấu thành sự phủ nhận các quyền cơ bản con người là trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc và là một sự cản trở đối với việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác trên thế giới.
2. Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
3. Việc thiếu sự sẵn sàng về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa không bao giờ được dùng như lý do cho việc trì hoãn (trao trả) độc lập cho các dân tộc.
4. Tất cả mọi hoạt động vũ trang hoặc các biện pháp đàn áp dưới bất kỳ hình, thức nào nhằm chống lại các dân tộc phụ thuộc phải bị chấm dứt để tạo khả năng cho các dân tộc đó thực hiện một cách hòa bình và tự do quyền độc lập hoàn toàn của họ, và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của họ phải được tôn trọng.
5. Các bước tiến hành phải sớm được thực hiện tại các lãnh thổ quản thác và chưa tự quản hoặc tại tất cả các lãnh thổ khác chưa giành được độc lập, để chuyển tất cả quyền lực cho nhân dân của những lãnh thổ nào mà không có bất kỳ điều kiện hay sự bảo lưu nào phù hợp với ý chí và nguyện vọng được bày tỏ một cách tự do của họ không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, tín ngưỡng hoặc màu da, để tạo ra khả năng cho các dân tộc này được hưởng thụ nền độc lập và tự do hoàn toàn.
6. Bất kỳ cố gắng nào nhằm gây phá vỡ toàn bộ hay một phần sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước là trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tất cả các quốc gia phải tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và Tuyên bố này trên cơ sở bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng chủ quyền của tất cả các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ.