Tờ trình 58/TTr-BLĐTBXH về tình hình xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ học nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 58/TTr-BLĐTBXH |
Ngày ban hành | 15/10/2009 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2009 |
Loại văn bản | Văn bản khác |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước |
BỘ
LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/TTr-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2009 |
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề (theo quy định tại khoản 4, Điều 86 của Luật Dạy nghề). Tuy nhiên trong quá trình triển khai xây dựng Dự thảo có một số vấn đề vướng mắc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kính trình và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này như sau:
1. Về cơ sở pháp lý của Dự thảo Nghị định
Điều 86 của Luật Dạy nghề quy định Quỹ hỗ trợ học nghề bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Quỹ hỗ trợ học nghề được thành lập để hỗ trợ cho người học nghề.
- Nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ học nghề bao gồm đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ hỗ trợ học nghề.
- Quỹ hỗ trợ học nghề hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế. Việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề phải đúng mục đích và theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề.
Đây là cơ sở pháp lý để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề.
2. Những khó khăn trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định
Nội dung chính của Dự thảo Nghị định là quy định việc hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề nhưng khó khăn nhất ở đây chính là việc quy định nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ học nghề.
Theo quy định tại Điều 86 của Luật Dạy nghề, nguồn tài chính cho Quỹ hỗ trợ học nghề gồm có đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cả 2 nguồn tài chính này đều rất khó khăn.
- Đối với nguồn đóng góp tự nguyện: Chủ yếu sẽ là sự đóng góp của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào cũng tự nguyện đóng góp một khoản nào đó thì với khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp sẽ tạo ra được một nguồn quỹ đáng kể. Tuy nhiên hiện nay, nhận thức, trách nhiệm của nhiều doanh nghiệp đối với hoạt động dạy nghề còn hạn chế nên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tự nguyện đóng góp cho Quỹ. Còn nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải đóng góp cho Quỹ thì trái với Điều 86 của Luật Dạy nghề. Do vậy, nguồn tài chính từ sự đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hình thành và duy trì Quỹ hỗ trợ học nghề sẽ vô cùng khó khăn và thiếu tính khả thi.
- Đối với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Đây chỉ là nguồn phụ và chỉ mang tính hỗ trợ, nhưng nếu không có nguồn đóng góp của các doanh nghiệp thì đây lại trở thành nguồn chính của Quỹ và như vậy ngân sách nhà nước sẽ không đủ để đáp ứng cho sự hình thành và phát triển Quỹ. Do vậy, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước để hình thành và phát triển Quỹ hỗ trợ học nghề cũng hết sức khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Mặt khác, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người học nghề như:
+ Chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề ngắn hạn (Quyết định 81/2005/QĐ-TTg);
+ Hỗ trợ dạy nghề nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số (Quyết định 267/2005/QĐ-TTg);
+ Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động là người tàn tật (Thông tư 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT);
+ Hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo (Quyết định 20/2007/QĐ-TTg về CTMTQG giảm nghèo);
+ Hỗ trợ dạy nghề để chuyển đổi nghề cho lao động bị thu hồi đất canh tác (Nghị định 197/2004/NĐ-CP);
+ Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020 (Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg);
+ Chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên (theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
+ Học bổng chính sách (Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg);
+ Chính sách hỗ trợ Bộ đội xuất ngũ học nghề (Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Mặc dù các chính sách được ban hành hiện nay còn có những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung đã phủ kín các đối tượng cần được hỗ trợ khi tham gia học nghề, nhiều chính sách đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Do vậy, nếu Quỹ hỗ trợ học nghề chỉ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ người học nghề, sẽ có nhiều nội dung và đối tượng hỗ trợ học nghề trùng lắp với các chính sách đã ban hành.