ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
08/2013/QĐ-UBND
|
Bà
Rịa - Vũng Tàu, ngày 29 tháng 01 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG THU-CHI VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ HỌC NGHỀ CHO LAO ĐỘNG
CÓ ĐẤT NÔNG NGHIỆP BỊ THU HỒI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP
ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước
thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số
69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử
dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Căn cứ Quyết định số
13/2010/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định một
số chính sách cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi
đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
Căn cứ Nghị quyết số 36/2011/NQ-HĐND
ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Căn cứ Quyết định số 268/QĐ-UBND
ngày 25/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Thành lập “Quỹ hỗ trợ học nghề
cho lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao
động-Thương binh và Xã hội tại công văn số 2790/SLĐTBXH-DN ngày 18 tháng 12 năm
2012 về việc đề nghị ban hành quy định về nội dung thu-chi và sử dụng Quỹ hỗ
trợ học nghề cho lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về nội dung thu-chi và sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề cho
lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nội dung thu-chi và sử dụng Quỹ hỗ
trợ học nghề cho lao động có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Bà
Rịa-Vũng Tàu được áp dụng kể từ ngày 11/4/2010.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở: Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở,
Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như
Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Bộ LĐ-TB&XH (để báo cáo);
- Tổng cục Dạy nghề;
- TTr.TU, TTr.HĐND Tỉnh (để b/cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Sở Tư pháp (theo dõi);
- Trung tâm công báo (để đăng công báo);
- Đài phát thanh - Truyền hình;
- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
- Lưu: VT, TH
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|
QUY ĐỊNH
VỀ
NỘI DUNG THU-CHI VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ HỌC NGHỀ CHO LAO ĐỘNG CÓ ĐẤT NÔNG NGHIỆP
BỊ THU HỒI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 29/01/2013 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Điều 1. Quy định chung
Quỹ hỗ trợ học nghề cho lao động có
đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gọi tắt là “Quỹ
hỗ trợ học nghề”) là Quỹ bằng tiền được hình thành và sử dụng để hỗ trợ học
nghề và bổ túc nghề cho lao động thuộc đối tượng hỗ trợ quy định tại Khoản 2
Điều 12 Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
“Quy định một số chính sách cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa “Vũng Tàu” nhằm chuyển đổi nghề
nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.
Việc quản lý, sử dụng Quỹ được thực
hiện theo nội dung tại Quy định này và theo các quy định hiện hành của nhà nước
về quản lý tài chính công.
Điều 2.
Nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ học nghề.
Quỹ hỗ trợ học nghề được hình thành
từ nguồn trích nộp của Chủ đầu tư đối với các dự án được nhà nước giao đất có
phát sinh chi hỗ trợ học nghề cho người lao động theo quy định tại Điều 12
Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Điều 3.
Sử dụng Quỹ hỗ trợ học nghề.
Quỹ hỗ trợ học nghề được sử dụng để
hỗ trợ học nghề và bổ túc nghề cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ
theo quy định để chuyển đổi nghề nghiệp tạo việc làm ổn định.
Điều 4. Chính sách hỗ trợ
học nghề.
1. Đối tượng được hỗ trợ học nghề:
Những người trong độ tuổi lao động
thuộc hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Quyết
định số 13/QĐ-UBND ngày 01/4/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
2. Điều kiện được hỗ trợ:
Đối tượng được hỗ trợ học nghề phải
đảm bảo đủ các điều kiện:
- Là người trực tiếp sản xuất nông
nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất sản
xuất nông nghiệp.
- Người được hỗ trợ phải là người
trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 15 tuổi đến 55
tuổi) có khả năng lao động.
- Có nhu cầu học nghề và phải đăng
ký với chính quyền địa phương và chủ đầu tư khi lập phương án thu hồi đất.
3. Nguyên tắc hỗ trợ:
Chỉ hỗ trợ một lần để học một nghề
khi bị thu hồi đất nông nghiệp.
4. Nội dung, mức
hỗ trợ, thời gian hỗ trợ:
a) Nội dung hỗ trợ:
Hỗ trợ cho người lao động có thêm
nguồn kinh phí bổ sung để chi trả học phí theo học ở các cơ sở đào tạo chuyên
nghiệp, dạy nghề của nhà nước hoặc các cơ sở đào tạo dạy nghề được nhà nước cho
phép, hoặc các doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động
ít nhất từ đủ 12 tháng trở lên và cam kết tự tổ chức đào tạo nghề cho người
được tuyển dụng.
b) Mức hỗ trợ:
- Khi đối tượng được hỗ trợ học
nghề tại các cơ sở dạy nghề của nhà nước hoặc cơ sở được nhà nước cho phép đào
tạo nghề đóng tại địa bàn các tỉnh, thành phố khác thì được hỗ trợ theo mức học
phí của cơ sở đào tạo (nhưng tối đa không quá 6 triệu đồng/người).
- Trường hợp các doanh nghiệp tuyển
lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ học nghề và tự tổ chức đào tạo nghề cho
người được tuyển dụng vào làm việc ổn định ít nhất từ đủ 12 tháng trở lên thì
mức hỗ trợ theo quy định của doanh nghiệp (nhưng tối đa không quá 6 triệu đồng/người).
c) Thời hiệu giải quyết hỗ trợ học
nghề:
Thời hiệu được giải quyết hỗ trợ
học nghề là 03 năm (36 tháng) kể từ khi có quyết định thu hồi đất...
5. Hồ sơ, thủ tục thanh toán kinh
phí học nghề
a) Thủ tục thanh toán:
Quỹ hỗ trợ học nghề thanh toán trực
tiếp:
- Hoàn trả chi phí cho người lao
động học nghề tại các cơ sở đào tạo có tư cách pháp nhân trong và ngoài tỉnh
khi người lao động đã tự thanh toán chi phí đào tạo cho cơ sở đào tạo.
- Thanh toán cho các cơ sở dạy
nghề; các doanh nghiệp đủ tư cách pháp nhân trong địa bàn tỉnh căn cứ vào số
thẻ học nghề cơ sở dạy nghề đã thu nhận của đối tượng được hỗ trợ học nghề.
b) Hồ sơ:
+ Đối với người học nghề tại các cơ
sở dạy nghề trên địa bàn ngoài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hồ sơ gồm có:
- Thẻ học nghề của người được hỗ
trợ;
- Hóa đơn thu học phí hợp lệ của cơ
sở dạy nghề;
- Giấy xác nhận của cơ sở đào tạo.
+ Đối với người học tại các cơ sở
dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hồ sơ gồm có:
- Công văn đề nghị thanh toán chi
phí đào tạo nghề;
- Danh sách người học nghề được hỗ
trợ đã kết thúc khóa học;
- Thẻ học nghề của người được hỗ
trợ
+ Đối với các doanh nghiệp nhận
người vào học nghề và cam kết bố trí việc làm ổn định, hồ sơ gồm có:
- Công văn đề nghị cấp kinh phí của
doanh nghiệp;
- Danh sách những người học nghề có
chữ ký của thủ trưởng và đóng đấu của doanh nghiệp kèm theo thẻ học nghề còn
giá trị và thời hạn sử dụng;
- Hợp đồng lao động ký giữa doanh
nghiệp với người lao động được đào tạo.
6. Cấp thẻ học nghề
a) Thẻ học nghề là một loại chứng
chỉ xác định người đứng tên thuộc đối tượng được hỗ trợ học nghề và được hưởng
chính sách học nghề theo quy định. Thẻ học nghề này do Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội cấp.
b) Thẻ học nghề chỉ được cấp một
lần cho mỗi cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ học nghề; theo danh sách do UBND
cấp huyện lập, tương ứng với số kinh phí do chủ đầu tư nộp vào Quỹ.
c) Thẻ học nghề có giá trị sử dụng
trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp.
d) Thẻ học nghề không có giá trị sử
dụng trong những trường hợp sau:
- Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;
- Thẻ không phải do cơ quan có thẩm
quyền ban hành;
- Người được cấp thẻ học nghề bị
chết hoặc mất tích;
- Thẻ học nghề được cấp không đúng
theo quy định này;
- Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa, rách
nát, mất góc, không có ảnh ở trang một.
- Người được cấp thẻ học nghề nhưng
để người khác sử dụng (chuyển nhượng, cho người khác mượn, cho, tặng....);
đ) Người có thẻ học nghề chỉ được
hỗ trợ một lần cho một nghề đào tạo.
e) Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội ban hành mẫu thẻ học nghề theo quy định tại Điều lệ này, thống nhất quản lý
và phát hành thẻ học nghề.
g) Sở Lao động-Thương binh và Xã
hội tiếp nhận danh sách các đối tượng có nhu cầu được đào tạo, học nghề của
UBND huyện, thành phố và xem xét, cấp thẻ học nghề.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện, nếu có
điểm nào chưa phù hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng
hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung./.