Quyết định 121/2009/QĐ-TTg về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 121/2009/QĐ-TTg
Ngày ban hành 09/10/2009
Ngày có hiệu lực 23/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 121/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BỘ ĐỘI XUẤT NGŨ HỌC NGHỀ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng

Các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập như các cơ sở dạy nghề của các Bộ, ngành Trung ương quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.

Điều 2. Chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề.

1. Bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề được Nhà nước hỗ trợ một lần để học một nghề.

2. Đối với trường hợp bộ đội xuất ngũ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.

a) Được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Được vay tiền để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 thàng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

3. Đối với trường hợp bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp

a) Được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm học nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp thẻ. “Thẻ học nghề” sử dụng không đúng quy định sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Nhà nước thanh toán chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề căn cứ vào “Thẻ học nghề”, chi phí đào tạo thực tế của nghề đã học và chứng chỉ học nghề đã cấp cho học viên nhưng không cao hơn giá trị của “Thẻ học nghề”. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của “Thẻ học nghề” thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí để thực hiện điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Quyết định này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện Điều 1 của Quyết định này;

b) In, cấp và quản lý “Thẻ học nghề”;

c) Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề, từng cấp trình độ theo quy định;

d) Quy định trình tự, thủ tục về: đăng ký học nghề, cấp “Thẻ học nghề” cho bộ đội xuất ngũ; tổ chức đấu thầu đặt hàng dạy nghề; thanh quyết toán kinh phí hàng năm cho các cơ sở dạy nghề theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Quyết định này;

đ) Tổ chức dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ thông qua các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Quyết định này;

e) Tổng hợp dự toán kinh phí dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ hàng năm gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

g) Hàng năm, tổ chức tự kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

[...]