Thông tư liên tịch 56/1998/TTLT-BTC-BGTVT chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt nam do Bộ Giao Thông Vận Tải và Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 56/1998/TTLT-BTC-BGTVT
Ngày ban hành 23/04/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Tài chính
Người ký Đào Đình Bình,Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/1998/TTLT-BTC-BGTVT

Hà Nội , ngày 23 tháng 4 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 56/1998/TTLT-BTC-BGTVT NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, Thông tư số 06 TC/TCDN ngày 24/2/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, Quyết định số 4461/QĐ-TCCB-LĐ ngày 21/11/1997 của Bộ Giao thông vận tải. Liên Bộ Tài chính - Bộ Giao tông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam (sau đây gọi tắt là BĐATHHVN).

2. BĐATHHVN có trách nhiệm sử dụng vốn và các nguồn lực do Nhà nước giao để thực hiện công tác đảm bảo an toàn hàng hải theo quy định của Nhà nước.

3. Ngoài nhiệm vụ công ích được giao BĐATHHVN được tận dụng lao động, đất đai, vốn và tài sản nhà nước sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ công ích và huy động thêm vốn để tổ chức kinh doanh phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường với điều kiện:

- Được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản.

- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam do Nhà nước giao.

- Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành.

- Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh thêm.

- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với phần hoạt động kinh doanh thêm theo quy định của pháp luật.

4. BĐATHHVN chịu sự kiểm tra giám sát về mặt tài chính của cơ quan tài chính với tư cách là đại điện chủ sở hữu về vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo uỷ quyền của Chính phủ.

II. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN

1. Đầu tư vốn:

1.1. BĐATHHVN được Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ ban đầu, không thấp hơn vốn pháp định do Nhà nước quy định để xây dựng mua sắm tài sản cố định và tài sản lưu động phù hợp với quy mô và nhiệm vụ được giao.

1.2. BĐATHHVN hoạt động nếu thiếu vốn so với nhiệm vụ được Nhà nước giao (sau khi huy động các nguồn vốn hiện có tại doanh nghiệp) được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn như sau:

- Trường hợp hoạt động của BĐATHHVN nếu có lãi được xét cấp lại phần thuế lợi tức phải nộp để bổ sung vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp không có lãi hoặc sau khi xét cấp lại phần thuế lợi tức phải nộp mà vẫn thiếu vốn thì được Nhà nước xem xét đầu tư bổ sung vốn.

1.3. Các thủ tục đầu tư vốn xây dựng cơ bản, vốn lưu động cho BĐATHHVN thực hiện theo các quy định của Nhà nước.

2. Huy động vốn:

2.1. BĐATHHVN được quyền huy động vốn dưới mọi hình thức để phát triển kinh doanh theo các quy định của pháp luật, nhưng không được làm thay đổi hình thức sở hữu.

BĐATHHVN phải lập phương án cụ thể trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính. Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải quyết định cho thực hiện.

2.2. Trường hợp BĐATHHVN tổ chức hoạt động kinh doanh ngoài nhiệm vụ công ích được giao, thì được vay vốn của các tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại, các Công ty tài chính...), các doanh nghiệp khác, các cá nhân (kể cả cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp) để phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật, không được làm thay đổi hình thức sở hữu.

2.3. Lãi suất huy động vốn hạch toán trong chi phí sản xuất, dịch vụ của BĐATHHVN không được cao hơn lãi suất trần cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong thời gian huy động vốn theo từng ngành nghề.

2.4. Khi huy động vốn BĐATHHVN phải cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế, đảm bảo sử dụng vốn huy động đúng mục đích, có hiệu quả, không dùng vốn vay ngắn hạn vào đầu tư xây dựng, phải tách riêng phần vốn huy động cho hoạt động công ích hoặc sản xuất kinh doanh khác để phân bổ lãi suất cho từng hoạt động và phải trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn.

Tổng giám đốc BĐATHHVN chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc lập phương án huy động vốn, sử dụng vốn không đúng mục đích, không có hiệu quả dẫn đến tổn thất về vốn.

3. Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp:

[...]