Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 24/1998/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 24/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 26/02/1998
Ngày có hiệu lực 13/03/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 24/1998/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN TÁI ĐẦU TƯ TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước" và Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp nhà nước như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh theo Điều 1 Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 và doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích theo Điều 1 Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước).

2. Vốn Nhà nước được sử dụng để tái đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước là số vốn dùng để duy trì và tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn Nhà nước sử dụng để tái đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

- Khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp thuộc nguồn vốn Nhà nước (kể cả vốn khấu hao cơ bản tài sản cố định đầu tư bằng các nguồn vốn huy động nhưng đã sử dụng nguồn vốn Nhà nước trả hết nợ).

- Giá trị còn lại thu hồi được do thanh lý, nhượng bán tài sản của doanh nghiệp thuộc nguồn vốn nhà nước.

- Một phần hoặc toàn bộ quỹ đầu tư phát triển.

- Các khoản doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước, nhưng được nhà nước cho phép để lại doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn kinh doanh và tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

(Tất cả các nguồn vốn kể trên sau đây gọi tắt là vốn tái đầu tư của doanh nghiệp nhà nước).

- Đối với các Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 90/TTg và Quyết định số 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ được huy động một phần vốn tái đầu tư (khấu hao tài sản, quỹ đầu tư phát triển) của các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty sử dụng vào mục đích tái đầu tư chung của toàn Tổng công ty cũng được áp dụng theo các quy định của Thông tư này.

3. Doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả vốn tái đầu tư của doanh nghiệp.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Vốn tái đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được sử dụng:

- Mua sắm, thay thế tài sản cố định nhằm duy trì năng lực sản xuất hiện có của doanh nghiệp.

- Đổi mới, hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm, mua sắm mới trang thiết bị cải thiện điều kiện làm việc.

- Tham gia vào vốn đầu tư thuộc các chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

2. Quản lý sử dụng vốn tái đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước:

2.1. Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng sản xuất kinh doanh của đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch về nguồn vốn tái đầu tư và kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư trong năm.

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp thành viên trong các Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 90/TTg và số 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ thì kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị phê duyệt.

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị thì kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp phải được Hội đồng quản trị phê duyệt.

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị thì kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp do Giám đốc doanh nghiệp phê duyệt và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hiệu quả sử dụng vốn tái đầu tư.

- Trường hợp vốn tái đầu tư của doanh nghiệp sử dụng trong các chương trình, dự án thì việc lập kế hoạch, phê duyệt được thực hiện theo các quy định trong điều lệ quản lý vốn đầu tư và xây dựng hiện hành.

Kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có căn cứ kiểm tra, giám sát.

2.2. Người chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch sử dụng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp nếu sai dẫn đến các công trình đầu tư, mua sắm thiết bị và đầu tư khác không hiệu quả, không đảm bảo thời gian thu hồi vốn, thua lỗ, mất vốn thì ngoài chịu kỷ luật về mặt hành chính còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt vật chất. Mức bồi thường theo các quy định của pháp luật.

2.3. Các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm máy móc thiết bị bằng vốn tái đầu tư phải lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự toán công trình. Việc thẩm định và phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự toán công trình được thực hiện theo các quy định trong điều lệ quản lý vốn đầu tư và xây dựng hiện hành.

[...]