Thông tư liên tịch 52/2008/TTLT-BNN-BTC hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy do Liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 52/2008/TTLT-BNN-BTC
Ngày ban hành 14/04/2008
Ngày có hiệu lực 10/05/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số : 52/2008/TTLT-BNN-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TRỢ CẤP GẠO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ Ở MIỀN NÚI TRỒNG RỪNG THAY THẾ NƯƠNG RẪY

Căn cứ Quyết định 100/2007/QĐ - TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 661/ QĐ - TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn việc trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn việc trợ cấp gạo đối với việc trồng rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy chưa được cải tạo thành ruộng bậc thang nằm trong diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy).

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi đang cư trú hợp pháp tại địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

II. NGUYÊN TẮC TRỢ CẤP GẠO

1. Việc trợ cấp gạo chỉ áp dụng đối với các hộ gia đình tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.

2. Mức gạo trợ cấp đảm bảo đủ ăn cho hộ gia đình trong thời gian chuyển nương rẫy sang trồng rừng và chưa có thu nhập khác thay thế hoặc có thu nhập khác nhưng chưa tương đương với thu nhập từ canh tác nương rẫy trên diện tích đó.

3. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể mức trợ cấp gạo đối với từng loại đối tượng, thời gian và hình thức trợ cấp phù hợp tại địa phương.

III. THỜI HẠN, MỨC TRỢ CẤP, PHƯƠNG THỨC TRỢ CẤP GẠO

1. Thời hạn trợ cấp:

Bắt đầu từ khi ngừng canh tác nương rẫy để chuyển sang trồng rừng đến khi có thu nhập thay thế, nhưng tối đa không quá 7 năm.

2. Mức trợ cấp

Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, mỗi ha không quá 700 kg/năm và mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng. Mức cụ thể trên từng địa bàn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít, thì mức trợ cấp theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi mỗi ha không quá 700 kg/năm.

Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu là 10 kg/tháng.

Cách tính cụ thể như sau:

Ví dụ 1: Hộ gia đình A có 05 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng là 02 ha. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quyết định mức trợ cấp gạo là 10 kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700 kg x 02 ha = 1.400 kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10 kg x 12 tháng x 05 khẩu = 600 kg/năm.

Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình A trong năm là 600 kg/năm.

Ví dụ 2: Hộ gia đình B có 7 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng là 0,3 ha. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quyết định mức trợ cấp gạo là 10 kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700 kg x 0,3 ha = 210 kg/năm.

Xác định theo số khẩu: 10 kg x 12 tháng x 7 khẩu = 840 kg/năm.

Tổng số gạo trợ cấp cho gia đình B trong năm là 210 kg/năm.

Ví dụ 3: Hộ gia đình C có 6 khẩu chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng năm 2008 là 0,5 ha. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quyết định mức trợ cấp gạo là 10 kg/khẩu/tháng. Xác định tổng mức gạo trợ cấp đối với hộ gia đình này trong năm 2008 như sau:

Xác định theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi: 700 kg x 0,5 ha = 350 kg/năm.

[...]