Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên tịch 29/1999/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN giao hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có quy định hạn ngạch năm 2000 do Bộ Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thương mại ban hành

Số hiệu 29/1999/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN
Ngày ban hành 07/09/1999
Ngày có hiệu lực 07/09/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp,Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Thương mại
Người ký Lại Quang Thực,Lê Huy Côn,Lương Văn Tự
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/1999/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN

Hà Nội , ngày 07 tháng 9 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI - BỘ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ, BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 29/1999/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 1999 QUY ĐỊNH VIỆC GIAO HẠN NGẠCH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG CÓ QUY ĐỊNH HẠN NGẠCH NĂM 2000

Căn cứ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao;
Căn cứ Hiệp định buôn bán hàng dệt may với các nước có quy định hạn ngạch, Liên Bộ Thương Mại, Kế hoạch & Đầu tư, Công nghiệp quy định về việc giao hạn ngạch hàng dệt may năm 2000 có thu phí như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Việc giao hạn ngạch có thu phí được tiến hành theo nguyên tắc công khai, không phân biệt đối xử, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường không áp dụng hạn ngạch.

2. Đối tượng được giao hạn ngạch là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may đủ tiêu chuẩn kỹ thuật làm hàng xuất khẩu, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có ngành hàng dệt may và đã thực hiện hạn ngạch năm 1999.

3. Căn cứ để giao hạn ngạch là số lượng thực hiện năm 1999 của doanh nghiệp trên cơ sở số lượng giao chính thức, không tính hạn ngạch thưởng, đấu thầu, điều chỉnh, bổ sung do yêu cầu đột xuất.

4. Đối với thị trường EU, dành 30% tổng hạn ngạch từng chủng loại hàng (cat.) để ưu tiên giao cho các doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng là nhà công nghiệp châu Âu, do Uỷ ban châu Âu giới thiệu. Việc ưu tiên này được xem xét đối với các hợp đồng ký chậm nhất là 31.3.2000. Các doanh nghiệp được giao hạn ngạch phải đảm bảo tỷ lệ nêu trên, trừ các doanh nghiệp được giao số lượng nhỏ: dưới 50.000 sản phẩm đối với các chủng loại (cat.): 4, 5, 8, 28 và 31; dưới 30.000 sản phẩm đối với chủng loại (cat.) 6, 7 và 21; dưới 10.000 sản phẩm đối với các chủng loại (cat.) 14, 26, 29 và 73; dưới 5.000 sản phẩm đối với chủng loại (cat.)15; dưới 10,0 tấn đối với các chủng loại (cat.) 68, 161 và dưới 3,0 tấn đối với chủng loại (cat.) 78,83.

5. Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp phân cấp cho UBND Thành phố Hà Nội và UBND Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp giao hạn ngạch cho các doanh nghiệp thuộc UBND Thành phố quản lý. Việc giao hạn ngạch của UBND hai thành phố được thực hiện theo Thông tư liên tịch này và biên bản bàn giao giữa Liên Bộ Thương mại - Kế hoạch và đầu tư - Bộ Công nghiệp và UBND hai thành phố.

6. Dành khoảng 5% hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang EU, riêng T-shirt, Polo.shirt(cat.4) khoảng 10% để ưu tiên và thưởng khuyến khích:

- Cho các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng vải sản xuất trong nước để làm hàng may xuất khẩu sang EU năm 2000

Cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang các thị trường không áp dụng hạn ngạch năm 1999.

Việc thưởng và ưu tiên có quy định riêng.

7. Dành một phần hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang EU các chủng loại hàng (cat.): 5, 6, 7, 15, 21, 26 và 73 để tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp trong cả nước. Số lượng của từng cat. đưa ra đấu thầu được trích từ nguồn hạn ngạch bổ sung và tăng trưởng hàng năm.

Việc đấu thầu hạn ngạch thực hiện theo quy chế đấu thầu hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có quy định hạn ngạch số 1405/1998/QĐ/BTM ngày 17/11/1998.

II- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HẠN NGẠCH:

Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào các thị trường có áp dụng hạn ngạch phải đăng ký bằng văn bản (theo các mẫu đính kèm) gửi về Bộ Thương Mại (Vụ Xuất nhập khẩu ) 21 Ngô Quyền - Hà Nội.

Thời gian đăng ký:

+ Hạn ngạch thương mại: trước ngày 10/10/1999

+ Hạn ngạch công nghiệp:trước ngày 10/04/2000

III- QUY ĐỊNH ĐƯỢC GIAO HẠN NGẠCH:

1. Đối với hạn ngạch công nghiệp:

Trước ngày 10/4/2000, các doanh nghiệp có đủ điều kiện nêu tại mục I điểm 4 gửi hợp đồng công nghiệp về Bộ Thương mại hoặc UBND Thành phố Hà Nội hoặc UBNDThành phố Hồ Chí Minh. (Đối với các doanh nghiệp thuộc UBND hai Thành phố quản lý) sẽ được giao hạn ngạch công nghiệp theo tỷ lệ quy định.

Nếu hạn ngạch công nghiệp không giao hết sẽ chuyển sang hạn ngạch thương mại.

2. Đối với hạn ngạch thương mại:

Việc giao hạn ngạch được chia làm 2 đợt:

a) Đợt 1: Trong tháng 10 năm 1999 giao hạn ngạch thương mại với số lượng 100% số lượng thực hiện 9 tháng của năm 1999 (trừ các doanh nghiệp phải thực hiện hạn ngạch công nghiệp như quy định tại điểm 4 mục I).

b) Đợt 2: vào tháng 1 năm 2000, giao tiếp hạn ngạch thương mại còn lại theo nguyên tắc nêu tại điểm 2 mục I.

[...]