Thông tư liên tịch 19/2000/TTLT/BTC-BQP hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 19/2000/TTLT/BTC-BQP
Ngày ban hành 14/03/2000
Ngày có hiệu lực 29/03/2000
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Rinh,Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2000/TTLT/BTC-BQP

Hà Nội , ngày 14 tháng 3 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ QUỐC PHÒNG SỐ 19/2000/TTLT/BTC-BQP NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG VÙNG LÃNH HẢI, VÙNG TIẾP GIÁP LÃNH HẢI, VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Thực hiện Điều 37 Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09/6/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước CHXHCN Việt Nam.

Liên Bộ Tài chính - Quốc phòng hướng dẫn một số điểm như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước CHXHCN Việt Nam bị xử phạt tiền theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP, có trách nhiệm nộp tiền phạt bằng đồng Việt Nam tại nơi quy định được ghi trong quyết định xử phạt. Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể nộp bằng ngoại tệ theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền phạt.

Mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) thống nhất phát hành, quản lý và sử dụng theo chế độ quy định hiện hành.

3. Lực lượng Cảnh sát biển và Kho bạc Nhà nước nơi Cục, Vùng Cảnh sát biển đặt trụ sở ký kết hợp đồng uỷ nhiệm thu để thực hiện việc thu nộp tiền phạt được nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, đảm bảo nguyên tắc người xử phạt không trực tiếp thu tiền phạt và nộp đầy đủ số tiền thu phạt vào Kho bạc nhà nước.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ THỦ TỤC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Việc thu và nộp tiền phạt.

1.1. Quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính theo Điều 35 Nghị định số 36/1999/NĐ-CP hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền là cơ sở cho việc thu tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà nước.

Quyết định xử phạt có hai loại mẫu: mẫu số 01A/XPHC sử dụng để xử phạt trong trường hợp phải lập biên bản vi phạm; Mẫu số 01B/XPHC sử dụng để xử phạt tiền tại chỗ đến 20.000 đồng.

Người có thẩm quyền xử phạt khi ra quyết định xử phạt phải lập thành 3 bản (1 bản giao cho người bị xử phạt, một bản chuyển cho đơn vị Cảnh sát biển đã được uỷ nhiệm thu, 1 bản lưu tại cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt).

Đối với quyết định phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên phải lập thêm một bản quyết định xử phạt gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi Vùng, Cục Cảnh sát biển đặt trụ sở hoặc nơi phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

1.2. Kho bạc Nhà nước nơi Cục, Vùng Cảnh sát biển đặt trụ sở uỷ nhiệm cho đơn vị Cảnh sát biển thu tiền phạt vi phạm hành chính. Việc uỷ nhiệm thu tiền phạt phải thông qua hợp đồng uỷ nhiệm. Nội dung Hợp đồng uỷ nhiệm theo mẫu của Kho bạc Nhà nước trong đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên.

1.2.1. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước nơi Cục, Vùng Cảnh sát biển đặt trụ sở trực tiếp thực hiện uỷ nhiệm thu:

Giao đầy đủ biên lai và chứng từ liên quan đến việc thu tiền phạt cho đơn vị Cảnh sát biển được uỷ nhiệm thu. Việc giao nhận biên lai thu tiền phải được thực hiện như quy định về việc giao biên lai cho các bàn thu tiền phạt được quy định tại điểm 3 mục II của Công văn số 527 KB/CĐ ngày 25/7/1995 của Kho bạc Nhà nước;

- Hướng dẫn các đơn vị Cảnh sát biển được uỷ nhiệm thu sử dụng các liên biên lai và thủ tục nộp tiền vào Kho bạc theo đúng chế độ quy định của Bộ Tài chính;

- Thanh toán đầy đủ phí uỷ nhiệm cho đơn vị Cảnh sát biển được uỷ nhiệm thu;

- Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng biên lai chứng từ thu tiền phạt.

1.2.2. Trách nhiệm của đơn vị Cảnh sát biển được uỷ nhiệm thu

- Nhận, sử dụng, bảo quản và quyết toán biên lai thu tiền phạt theo đúng quy định của Kho bạc Nhà nước uỷ nhiệm;

- Thông báo kịp thời khi phát hiện biên lai giả, biên lai bị mất hoặc hư hỏng cho Kho bạc Nhà nước đã uỷ nhiệm thu;

- Chịu trách nhiệm về vật chất quy định tại tiết 6.1 điểm 6 mục II Công văn số 527-KB/CĐ ngày 25/7/1995 của Kho bạc Nhà nước nếu làm hư hỏng, mất biên lai thu tiền phạt;

- Thực hiện đúng Hợp đồng thu tiền phạt do Kho bạc Nhà nước đã uỷ nhiệm.

1.2.3. Về phí uỷ nhiệm:

Phí uỷ nhiệm do Kho bạc Nhà nước trực tiếp uỷ nhiệm và đơn vị Cảnh sát biển được uỷ nhiệm thoả thuận thống nhất trong Hợp đồng uỷ nhiệm có tính đến những chi phí đặc thù của lực lượng Cảnh sát biển khi thực hiện thu tiền phạt trên các vùng biển, hải đảo xa bờ. Phí uỷ nhiệm được sử dụng trong số kinh phí do Sở Tài chính - Vật giá cấp để thanh toán cho đơn vị được uỷ nhiệm. Phí uỷ nhiệm được trích từ khoản thu về tiền phạt để lại cho ngân sách địa phương.

[...]