Nghị định 36/1999/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Số hiệu 36/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/06/1999
Ngày có hiệu lực 24/06/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 36/1999/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 1999 QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG VÙNG LÃNH HẢI, VÙNG TIẾP GIÁP LÃNH HẢI, VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1998;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính cũng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 2. Trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này trong các lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên khoáng sản, hành vi vận chuyển trái phép người và vận chuyển mua bán trái phép hàng hóa, vũ khí, chất nổ, chất ma túy và các chất kích thích, các hành vi buôn lậu và các hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực khác có liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì xử phạt theo thẩm quyền, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải lập biên bản và chuyển cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Trong vùng nội thủy, khi có yêu cầu, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trợ giúp các lực lượng chuyên ngành khác thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm các hoạt động trên biển thực hiện đúng các quy định của pháp luật; trường hợp Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chủ động phát hiện các hành vi vi phạm hành chính thì phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thông báo và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền được quy định tại Điều 35 Nghị định này tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2. Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính khác được áp dụng theo các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này được thực hiện theo Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện; thời hạn trên được tính là hai năm đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực môi trường, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả; nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt, nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Các quy định khác về thời hiệu áp dụng các khoản 2 và 3 Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

3. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được áp dụng theo Chương II Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Chương 2:

HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

MỤC 1: VI PHẠM VỀ AN NINH, TRẬT TỰ AN TOÀN TRÊN BIỂN

Điều 8. Xử phạt đối với vi phạm của tàu thuyền nước ngoài có một trong các hành vi sau đây:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dừng lại hoặc neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam.

2. Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Xả khói mù, bắn các loại súng, phóng các tín hiệu hoặc sử dụng các vật liệu nổ trong vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam vào bất cứ mục đích gì, trừ trường hợp bắn đạn tín hiệu cấp cứu và bắn súng chào;

b) Gây cản trở cho các hoạt động giao thông hàng hải, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản, các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các nguồn lợi biển.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ