BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03/1999/TTLB-BKHĐT-BNN
|
Hà
Nội , ngày 06 tháng 10 năm 1999
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN SỐ 03/1999/TTLB-BKHĐT-BNN NGÀY 06 THÁNG 10 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
(Theo Quyết định số 237/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
Căn cứ Quyết định số
237/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
Quyết định số 531/TTg ngày 8 tháng 8 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản
lý các Chương trình Quốc gia; Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm
1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý các Chương trình mục tiêu Quốc gia;
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường
nông thôn (NSVSMTNT), Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn hướng dẫn một số điểm như sau:
I- MỤC TIÊU CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
1- đến năm 2000: nâng tỷ lệ người
được sử dụng nước sạch lên khoảng 45%; Cải thiện vệ sinh môi trường, ưu tiên
vùng biên giới, hải đảo, dân tộc ít người và vùng nông thôn khó khăn khác.
2- Đến năm 2005: Khoảng 80% dân
số nông thôn được sử dụng nước sach; 50% số hộ có hố xí hợp vệ sinh; 30% chuồng
trại và 10% số làng nghề xử lý được chất thải. Đại bộ phận các trường học, bệnh
viện trạm xá, chợ và công trình công cộng khác ở nông thôn có nước sạch và giữ
môi trường sạch sẽ, phần lớn cư dân nông thôn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
3- Góp phần chống cạn kiệt, chống
ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nguồn nước.
II- NGUYÊN TẮC
CHUNG:
- Nhà nước tạo môi trường pháp
lý bao gồm xây dựng qui hoạch, công nghệ, mô hình, truyền thông, đào tạo để dân
làm là chính, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các vùng biên giới, hải đảo, dân tộc
ít người, các vùng nông thôn khó khăn và đề ra các cơ chế chính sách phù hợp
khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước
sạch và vệ sinh nông thôn với mọi hình thức nhằm xã hội hoá được lĩnh vực cấp
nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quản lý, huy động các nguồn lực bao gồm các nguồn thu từ
thuế sử dụng đất nông nghiệp để lại cho địa phương, nguồn của các tổ chức quốc
tế, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội, huy động nguồn lực
các tổ chức cá nhân và các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt mục
tiêu của chương trình; Đưa mục tiêu và các giải pháp về cấp nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn vào mục tiêu chung trong kế hoạch phát triển kinh tế
xã hội hàng năm của địa phương.
- Việc đầu tư và xây dựng các
công trình phải được thực hiện công khai, dân chủ, có sự bàn bạc và tham gia của
người hưởng lợi từ khâu lập kế hoạch thiết kế thi công công trình đến quản lý vận
hành, bảo dưỡng, đảm bảo cho công trình hoạt động bền vững.
III- PHẠM VI
CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
Để đảm bảo việc cung cấp nước sạch
và cải thiện vệ sinh môi trường cho các vùng nông thôn theo đúng mục tiêu đã được
Chính phủ phê duyệt bao gồm:
- Quản lý, đầu tư xây dựng các
công trình cấp nước sạch phục vụ cho cộng đồng dân cư nông thôn;
- Quản lý và đầu tư xây dựng các
công trình gắn với việc xử lý chất thải của người và gia súc như xây dựng các hố
xí, chuồng trại hợp vệ sinh, xử lý chất thải ở các làng nghề nông thôn;
- Góp phần bảo vệ nguồn nước, chống
cạn kiệt, chống ô nhiễm trong quá trình khai thác sử dụng đảm bảo giữ gìn vệ
sinh và cảnh quan môi trường;
Chương trình được triển khai cho
các vùng nông thôn bao gồm cả thị trấn có số dân nhỏ hơn 3 vạn người (Theo Chiến
lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn).
IV- NỘI DUNG
ĐẦU TƯ:
1- Các nguồn vốn đầu tư cho
chương trình và nguyên tắc sử dụng:
a) Nguồn vốn đầu tư cho chương
trình gồm:
- Vốn ngân sách; ngân sách Trung
ương, ngân sách địa phương, vốn từ các chương trình mục tiêu khác được lồng
ghép trên địa bàn;
- Vốn Quốc tế: Nguồn từ các tổ
chức Quốc tế viện trợ cho chương trình theo các hiệp định đã được ký kết, nguồn
từ các tổ chức phi Chính phủ (NGO);
- Vốn tín dụng: Nhà nước cho vay
với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh;
- Vốn của dân: Huy động sự đóng
góp của nhân dân theo mức được qui định tại Thông tư Liên tịch của Bộ Tài chính
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 103/1999/TTLT/BTC-NN và PTNT ngày
21 tháng 8 năm 1999 và vốn của các tổ chức cá nhân tham gia đóng góp đầu tư vào
chương trình;
- Vốn do dân tự đầu tư.
b) Sử dụng các nguồn vốn:
b.1) Vốn ngân sách (Trung ương,
địa phương và viện trợ Quốc tế), chủ yếu thực hiện:
- Xây dựng quy hoạch về cung cấp
nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
- Tuyên truyền, vận động toàn
dân tham gia thực hiện chương trình;
- Đào tạo nâng cao năng lực cán
bộ tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông
thôn và nhân dân có nhu cầu;
- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển
giao công nghệ, cung ứng vật liệu thiết bị mới về cấp nước và vệ sinh môi trường
nông thôn;
- Xây dựng cơ chế, chính sách để
thực hiện chương trình;
- Hỗ trợ kinh phí để xây dựng
các mô hình điểm;
- Đối ứng với vốn viện trợ của
Quốc tế;
- Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng
các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường ở vùng biên giới, hải đảo,
dân tộc ít người, và các vùng nông thôn khó khăn khác.
b.2) Vốn của dân và vốn vay tín
dụng: chủ yếu thực hiện việc xây dựng các công trình dưới mọi hình thức khác
nhau như:
- Góp một phần kinh phí để đầu
tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh có vốn hỗ trợ của Nhà nước và
các tổ chức Quốc tế;
- Đầu tư xây dựng công trình để
kinh doanh thu tiền nước, tiền dịch vụ về vệ sinh môi trường ở nông thôn;
- Đầu tư xây dựng vận hành và
chuyển giao công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn theo
hình thức BOT;
- Các hình thức đầu tư khác.
2- Dự án đầu tư: Bao gồm các
công trình cấp nước tập trung, công trình cấp nước phân tán, công trình về vệ sinh
môi trường với qui mô thôn, bản, xã hoặc liên xã và các dự án nước sạch môi trường
nông thôn khác.
3- Chủ đầu tư dự án: tuỳ theo
qui mô tính chất của từng dự án mà Uỷ ban nhân dân tỉnh, bộ, ngành tham gia
chương trình Quyết định số Uỷ ban nhân dân xã, Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cơ
quan chuyên ngành làm chủ đầu tư.
4- Xây dựng, thẩm định và phê
duyệt dự án:
Việc lập, phần duyệt các dự án đầu
tư theo các qui định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng;
Dự án đầu tư sau khi được phê
duyệt, Ban chủ nhiệm (hoặc Ban chỉ đạo) Chương trình của tỉnh gửi về Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia nước
sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) để tổng hợp làm căn cứ xây dựng kế hoạch
đầu tư hàng năm;
V- CƠ CHẾ ĐẦU
TƯ
1- Việc đầu tư và xây dựng phải
theo dự án, trong đó:
a) Đối với các dự án trong các
xã đặc biệt khó khăn thực hiện theo Thông tư liên Bộ số
416/1999/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29 tháng 4 năm 1999 về quản lý đầu tư và
xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền nuí và vùng sâu
vùng xa.
b) Đối với các dự án trong các
vùng khác được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện
hành (Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về quản
lý đầu tư xây dựng).
2- Mức hỗ trợ vốn đầu tư của Nhà
nước cho các dự án được thực hiện theo Thông tư Liên Bộ Tài chính và Bộ Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn số 103/1999/TTLT/BTC-NN&PTNT về hướng dẫn quản
lý, cấp phát và quyết toán kinh phí Chương trình Quốc gia nước sạch và vệ sinh
môi trường nông thôn.
VI- CÔNG TÁC
KẾ HOẠCH HOÁ:
1- Xây dựng và tổng hợp kế hoạch.
a) Việc đầu tư dựa trên cơ sở
các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hàng năm theo sự hướng dẫn của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn , Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các tỉnh, thành phố (gọi tắt là các tỉnh), Thủ trưởng của các Bộ,
ngành tham gia Chương trình phải có đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của
năm báo cáo, đề xuất nhu cầu của năm kế hoạch gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
c) Căn cứ vào mục tiêu của
Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, đề xuất mục
tiêu, nhiệm vụ và nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình của năm kế hoạch bao gồm
nguồn vốn Nhà nước (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp, vốn tín dụng, vốn viện
trợ Quốc tế), vốn đóng góp của dân, vốn huy động của các tổ chức, cá nhân gửi Bộ
Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (kèm theo bảng phân bổ vốn đầu tư, mục tiêu,
nhiệm vụ của chương trình cho các tỉnh, Bộ, ngành tham gia chương trình).
2- Giao kế hoạch:
a) Thủ tướng Chính phủ giao cho
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ, ngành tham
gia chương trình tổng vốn Nhà nước của chương trình trong năm kế hoạch (vốn
ngân sách, vốn tín dụng, vốn viện trợ của các tổ chức Quốc tế).
b) Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền
cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch hàng năm cho Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành tham gia chương
trình về mục tiêu, nhiệm vụ, cơ cấu vốn đầu tư, danh mục dự án (nguồn vốn ngân
sách Nhà nước hỗ trợ), đồng thời thông báo kế hoạch tổng hợp của chương trình
cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm căn cứ chỉ đạo.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn không giao kế hoạch cho hệ thống ngành dọc ở địa phương, mà chỉ hướng
dẫn nghiệp vụ, giải pháp về kỹ thuật công nghệ và cơ chế, chính sách để thực hiện
kế hoạch.
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Thủ trưởng các Bộ, ngành tham gia chương trình giao chỉ tiêu chi tiết tới từng
dự án cho các đơn vị h với các nội dung sau:
- Danh mục dự án, mục tiêu và
nhiệm vụ của từng dự án.
- Nguồn vốn thực hiện: tổng vốn
đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư để thực hiện chương trình (vốn ngân sách Nhà
nước, vốn tín dụng, vốn viện trợ Quốc tế, vốn của các tổ chức, cá nhân, vốn dân
đóng góp).
VII- ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH:
- Căn cứ Thông tư này, Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc điểm và
hoàn cảnh cụ thể của địa phương nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện
được mục tiêu của Chương trình.
- Các ngành, các cấp theo chức
năng của mình tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện đúng tinh
thần nội dung của Thông tư này.
- Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có gì chưa phù hợp, đề nghị
phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề
nghiên cứu bổ sung.
Nguyễn
Thiện Luân
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Xuân Thảo
(Đã
ký)
|