BỘ
CÔNG AN-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI THƯƠNG-TỔNG CỤC THỐNG KÊ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 09 năm 1972
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC KÊ KHAI, CẤP PHÁT CÁC LOẠI TEM PHIẾU MUA HÀNG
Căn cứ vào mục đích, yêu cầu đề ra trong chỉ thị
số 283-TTg ngày 08-10-1971 của Thủ tướng Chính phủ về việc kê khai cấp phát các
loại tem phiếu mua hàng và để kết hợp thực hiện Điều lệnh về nghĩa vụ lao động
trong thời chiến; dựa vào chức năng, nhiệm vụ của các ngành đã được ghi rõ
trong chỉ thị nói trên và sau khi rút kinh nghiệm việc chỉ đạo công tác kê khai
cấp phát tem phiếu mua hàng năm 1972.
Liên Bộ Nội thương – Công an – Lao động – Tổng cục
Thống kê quy định và hướng dẫn những điểm sau đây để Ủy ban hành chính các địa
phương và các ngành có liên quan ở trung ương và địa phương tổ chức thực hiện
việc kê khai và cấp phát phiếu mua hàng năm 1973 và các năm sau.
I. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC KÊ
KHAI, CẤP PHÁT TEM PHIẾU MUA HÀNG.
1. Thời điểm kê khai.
Từ nay trở đi, thống nhất lấy 0 giờ ngày 01
tháng 10 hàng năm làm thời điểm kê khai, cấp phát tem phiếu mua hàng cho
toàn miền Bắc. Nếu địa phương nào có xảy ra thiên tai, địch họa trong phạm vi một
vài huyện hoặc trong phạm vi toàn tỉnh, cần phải hoãn việc kê khai, cấp phát
tem phiếu sau thời điểm nói trên, thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét.
2. Căn cứ để kê khai, cấp phát tem phiếu.
Việc kê khai và cấp phát các loại tem phiếu mua
hàng trong điều kiện có chiến tranh phá hoại hiện nay cũng như sau này khi kết
thúc chiến tranh, đều phải dựa vào sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu. Nhân khẩu
đăng ký thường trú ở nơi nào thì kê khai cấp phát tem phiếu mua hàng ở
nơi đó.
Những người đã xóa tên trong sổ đăng ký hộ tịch,
hộ khẩu nơi ở cũ mà có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan Công an nơi ở cũ cấp
trước thời điểm kê khai và đến nơi ở mới, cơ quan Công an có đăng ký nhân khẩu
thường trú hoặc còn đang chờ xét giải quyết cũng đều được cấp các loại tem phiếu
mua hàng và do địa phương nơi mới đến cấp (riêng đối với thành phố Hà-nội thì
có đăng ký nhân khẩu thường trú tại Hà-nội mới được cấp tem phiếu mua hàng tại
Hà-nội).
Những trường hợp đang chờ xét giải quyết đăng ký
nhân khẩu thường trú hoặc đã tạm trú lâu dài ở địa phương, nhưng nếu không có
giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan Công an nơi ở cũ cấp trước thời điểm kê
khai thì nhất thiết không được lĩnh tem phiếu ở nơi tạm trú, mà phải trở về nơi
ở cũ kê khai để được cấp tem phiếu.
Những trường hợp còn vướng mắc về đăng ký hộ khẩu
thì phải đến cơ quan Công an để giải quyết theo chế độ hiện hành và sẽ được cấp
phát tem phiếu mua hàng sau khi giải quyết xong về thủ tục đăng ký hộ tịch, hộ
khẩu.
3. Đơn vị kê khai và tổng hợp.
Nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý đồng thời xét về
trình độ cán bộ cơ sở của từng nơi, đơn vị kê khai và đơn vị tổng hợp quy định
như sau.
a) Trong khu vực nhân dân:
- Đối với nhân dân ở nội thành phố, nội thị xã,
thì lấy hộ là đơn vị kê khai. Một hộ sẽ tự lập một tờ khai số nhân khẩu trong hộ
mình theo một mẫu biểu thống nhất. Đơn vị tổng hợp là khối phố (hoặc tiểu khu).
- Đối với nhân dân ở nông thôn (bao gồm cả những
người ở trong và ở ngoài hợp tác xã), trong điều kiện tổ chức quản lý
hiện nay ở thôn xã, tạm thời quy định đơn vị kê khai là hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp (đối với những nơi hợp tác xã quy mô nhỏ là xóm hoặc liên xóm); hoặc
là đội sản xuất (đối với những nơi hợp tác xã quy mô lớn hơn); hoặc xóm, bản (đối
với những nơi chưa thành lập hợp tác xã). Ở các đường phố thuộc thị trấn thì
đơn vị kê khai là tổ dân phố, nhưng nếu địa phương nào xét thấy cần thiết phải
kê khai theo hộ và có khả năng làm được việc này thì có thể lấy hộ là đơn vị kê
khai như nhân dân ở nội thành phố, nội thị xã.
Để thực hiện đúng quyền làm chủ và tránh hiện tượng
kê khai trùng hoặc sót, sau khi chủ nhiệm hợp tác xã hoặc đội trưởng đội sản xuất,
trưởng xóm, trưởng ban, tổ trường tổ dân phố lập xong bản danh sách kê khai, phải
tổ chức thông qua từng hộ gia đình để xác nhận và chủ hộ ký tên vào bản danh
sách kê khai; đơn vị tổng hợp là xã và thị trấn.
- Thương binh về gia đình, con liệt sĩ không nơi
nương tựa hoặc có nơi nương tự, bố mẹ liệt sĩ không nơi nương tựa, giáo viên mẫu
giáo và vỡ lòng…kê khai như các tầng lớp nhân dân khác cùng nơi mình ở.
b) Trong khu vực Nhà nước:
Đơn vị kê khai là cơ quan, xí nghiệp, trường học,
bệnh viện…có đủ tư tách pháp nhân. Cụ thể như sau:
Đối với khu vực sản xuất, đơn bị kê khai phải có
4 điều kiện sau:
- Thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập,
- Có tài khoản riêng ở ngân hàng Nhà nước,
- Có quyền giao dịch và ký kết hợp đồng kinh tế,
- Có con dấu riêng.
Đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp, đơn vị kê
khai là những đơn vị dự toán cấp I, cấp II, cấp III.
Để phù hợp với việc điều chỉnh lại lao động xã hội
trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại hiện nay và để thuận tiện cho các đơn vị
kê khai, tránh hiện tượng cấp trùng, liên Bộ quy định thêm một số điểm cụ thể
như sau:
- Những người được điều động từ cơ quan này sang
cơ quan khác, có biên bản bàn giao chuyển hẳn công nhân, viên chức cho cơ quan
mới trước thời điểm kê khai và đã được trả lương kỳ II tháng 9 ở cơ quan cũ,
thì do cơ quan mới tiếp nhận và chịu trách nhiệm kê khai. Khi đến xét
duyệt cấp phát tem phiếu, cơ quan mới sẽ xuất trình giấy thôi trả lương của đơn
vị cũ cấp (thay cho bảng lương kỳ II tháng 9) kèm theo biên bản và danh sách bàn
giao công nhân, viên chức.
- Những người được điều động sang cơ quan mới
làm nhiệm vụ có tính chất tạm thời hoặc biệt phái một thời gian, cơ quan cũ vẫn
tiếp tục quản lý lao động và trả lương, thì cơ quan cũ chịu trách nhiệm kê
khai, mặc dầu những người này được điều động để làm công tác mới hoặc sang cơ
quan mới trước thời điểm kê khai.
- Những người được điều động từ cơ quan này sang
cơ quan khác sau thời điểm kê khai dù bằng hình thức nào (chuyển hẳn, tạm thời,
biệt phái) cũng đều do cơ quan cũ chịu trách nhiệm kê khai. Khi kê khai xong, nếu
chưa kịp lĩnh tem phiếu mua hàng mà người đó được điều động đi ngay, thì cơ
quan cũ chịu trách nhiệm lĩnh và chuyển số tem phiếu đó cho số công nhân, viên
chức của đơn vị mình được chuyển sang cơ quan mới.
- Những công nhân, viên chức tạm nghỉ việc một
thời gian không hưởng lương hoặc được hưởng trợ cấp xã hội mỗi tháng 20 đồng; vẫn
thuộc biên chế của xí nghiệp, cơ quan, thì xí nghiệp, cơ quan đó kê khai như
công nhân viên chức đang làm việc theo đúng tinh thần thông tư số 195-TTg ngày
07-7-1972 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động sẽ có hướng dẫn vấn đề này.
Việc xác nhận hộ khẩu đối với những trường hợp
chuyển hẳn, chuyển tạm thời, hoặc biệt phái đều phải theo đúng nguyên tắc quy định
đã nói trong điểm 2 phần I ở trên của thông tư này.
Đối với những đơn vị, xí nghiệp, cửa hàng tuy chỉ
thực hiện chế độ hạch toán kế toán (theo hình thức báo số) chưa đủ 4 điều
kiện nói trên nhưng vì ở phân tán khắp các huyện thì cũng có thể được coi là một
đơn vị kê khai, nếu được thủ trưởng đơn vị cấp trên (đơn vị có đủ tư cách pháp
nhân) xác nhận và chịu trách nhiệm về bản kê khai và được chính quyền cấp tỉnh,
thành phố nơi mình ở đồng ý bằng văn bản (trường hợp này Ủy ban hành chính tỉnh,
thành phố cần thông báo cho ban chỉ đạo kiểm tra dân số và cấp phát tem phiếu tỉnh,
thành phố biết, để tránh tình trạng kê khai cấp phát trùng).
Đối với cán bộ hưu trí, hoặc thôi việc vì mất sức
lao động và đối với đồng bào miền Nam ra an dưỡng, nay quy định thống nhất do
phòng thương binh xã hội (hoặc phòng tổ chức dân chính) huyện, khu phố là đơn vị
kê khai xin cấp phát tem phiếu, nhưng các phòng này chỉ kê khai và cấp phát cho
những người thuộc phạm vi mình quản lý trả lương hoặc phụ cấp.
Các đơn vị kê khai nếu có những công nhân, viên
chức thuộc đơn vị mình quản lý có đăng ký hộ khẩu thường trú ở tỉnh khác (không
đủ tư cách pháp nhân để tự kê khai xin cấp phát tem phiếu) thì đơn vị, hoặc phải
cử người đến tỉnh đó làm thủ tục xin cấp phát tem phiếu cho số công nhân, viên
chức này, họăc nếu do hoàn cảnh chiến tranh đi lại khó khăn thì gửi văn bản, hồ
sơ đến theo đúng thủ tục quy định, không được cấp giấy giới thiệu để công nhân,
viên chức tự đến xin cấp tem phiếu. Ban chỉ đạo kiểm tra dân số và cấp phát tem
phiếu của tỉnh, thành phố không cấp phát tem phiếu cho từng cá nhân riêng lẻ
theo giấy giới thiệu của bất cứ một cơ quan nào, mà chỉ cấp phát tem phiếu cho
các đơn vị kê khai, sau khi đã làm đầy đủ thủ tục xin cấp phát.
4. Đối tượng kê khai
- Đối tượng kê khai xin cấp phát tem phiếu là những
người đã được hoặc chưa được đăng ký hộ khẩu, những người đã được đăng ký hộ khẩu
thì được xét cấp phát trước; những người chưa được đăng ký hộ khẩu thì sẽ được
xét cấp phát sau, khi đã giải quyết xong thủ tục đăng ký hộ khẩu, hoặc phải trở
lại nơi thường trú cũ để kê khai xin cấp phát tem phiếu.
Việc kê khai xin cấp phát tem phiếu trong nhân
dân và trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước phải theo đúng các biểu mẫu kê
khai, các biểu mẫu tổng hợp ban hành theo quyết định số 116-LB ngày 28 tháng 7
năm 1972 của Liên Bộ Nội thương – Tổng cục Thống kê cùng các văn bản hướng dẫn
thi hành quyết định trên.
Riêng đối với khu vực Nhà nước, để thi hành thống
nhất trong toàn miền Bắc và giải quyết phù hợp với tình hình thực tế, Liên bộ
quy định: ngoài lực lượng công nhân, viên chức trong biên chế, đối với những
người làm theo hợp đồng có chỉ tiêu phân bồ của ngành lao động, nếu làm
việc liên tục (tính đến thời điểm kê khai đã làm việc được 6 tháng) và còn làm
tiếp tục lâu nữa thì mới được khai vào đối tượng công nhân, viên chức và hưởng
tiêu chuẩn như công nhân, viên chức.
5. Thể thức xác nhận nhân khẩu và chức danh
ngành nghề.
Các bản kê khai của từng hộ (thành phố); thôn
(xã), cơ quan, xí nghiệp nhất thiết phải có cơ quan Công an của đơn vị lập sổ
xác nhận về nhân khẩu; cơ quan thống kê xác nhận về dân số và cấu thành dân số.
Thủ trưởng các xí nghiệp, cơ quan phải chịu
trách nhiệm trước Nhà nước và công nhân, viên chức ở đơn vị mình trong việc kê
khai và lập danh sách các loại lao động theo đúng ngành nghề, đúng số lượng và
đúng tiêu chuẩn đã quy định (đối với trường hợp mà Ban chỉ đạo kiểm tra dân số
và cấp phát tem phiếu xét thấy đơn vị kê khai không phù hợp với tiêu chuẩn quy
định, thì phải được cơ quan lao động kiểm tra và kết luận). Các bản tổng hợp
xin cấp phát phải lập thành 3 bản: 1 lưu tại đơn vị, 1 lưu ở cơ quan thương
nghiệp, 1 lưu ở cơ quan thống kê.
Việc xác nhận nhân khẩu phải ghi rõ số lượng
nhân khẩu đăng ký thường trú, số lượng nhân khẩu đăng ký tạm trú và số lượng
nhân khẩu chưa được đăng ký theo đúng các biểu mẫu kê khai đã ban hành theo quyết
định số 116-LB ngày 28/7/1972 của Liên Bộ Nội thương và Tổng cục Thống kê (mẫu
số 1, số 2, số 5 và số 6-ĐS/TP).
6. Thời gian và các bước công tác.
Quá trình kê khai và cấp phát tem phiếu mua hàng
chia làm ba bước:
Bước I : là bước chuẩn bị, có những việc
như sau phải làm:
- In các mẫu kê khai và biểu tổng hợp xin cấp
phát;
- Lập phương án kế hoạch kiểm tra dân số và cấp
phát tem phiếu, tổ chức sắp xếp lực lượng cán bộ, nơi làm việc;
- Điều chỉnh sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu;
- Tổ chức phổ biến kế hoạch tiến hành.
Bước II: là bước kê khai xin cấp phát các
loại tem phiếu mua hàng. Bước này phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 10.
Bước III: là bước xét duyệt và cấp phát.
Bước này tiến hành từ ngày 1 tháng 11 đến 31 tháng 12.
Đơn vị nào làm xong trước thì có thể tiến hành
xét duyệt và cấp phát trước.
II. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA
CÁC NGÀNH.
A. Ở TRUNG ƯƠNG: Căn cứ vào chỉ thị số
283-TTg ngày 08-10-1971 của Thủ tướng Chính phủ, dựa vào chức năng, nhiệm vụ đã
được quy định và căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của mỗi ngành, hàng
năm các ngành hữu quan phải có văn bản hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các Ủy
ban hành chính tỉnh, thành phố và các cấp trực thuộc làm tốt những công việc
thuộc trách nhiệm và quyền hạn của ngành mình.
B. Ở ĐỊA PHƯƠNG: Việc kê khai cấp phát các loại
tem phiếu mua hàng do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phụ trách. Để giúp việc
cho Ủy ban hành chính, mỗi cấp phải thành lập một ban chỉ đạo, lấy tên là “Ban
chỉ đạo kiểm tra dân số và cấp phát tem phiếu” do một phó Chủ tịch Ủy ban hành
chính làm trưởng ban và các ngành: công an, thống kê, lao động và thương nghiệp
làm ủy viên (nếu địa phương nào xét cần thiết có thể thêm ngành lương thực).
Ban chỉ đạo kiểm tra dân số và cấp phát tem phiếu
ở mỗi cấp trực tiếp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các bước tiến hành và làm báo cáo
lên cấp trên.
Trong quá trình tiến hành, mỗi địa phương phải tổ
chức kiểm tra một số đơn vị cơ quan, xí nghiệp và xã, để nhận định đánh giá
tình hình và có biện pháp khắc phục kịp thời những lệch lạc thiếu sót nếu có.
Các ngành phải cử đủ số cán bộ cần thiết (ngoài
số cán bộ chuyên trách) có khả năng, đạo đức phẩm chất tốt, giúp Ban chỉ đạo tiến
hành suốt trong thời gian kê khai, xét duyệt, cấp phát các loại tem phiếu mua
hàng.
Sau đây là nhiệm vụ cụ thể của các ngành ở địa
phương:
- Các Sở, Ty Công an chịu trách nhiệm kiểm tra về
nhân khẩu, điều chỉnh sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, đảm bảo thời gian và tránh
trùng sót trong việc xác nhận nhân khẩu.
- Các chi cục thống kê chịu trách nhiệm hướng dẫn,
kiểm tra việc ghi chép, kê khai, lập các biểu báo, tổng hợp về dân số , cơ cấu
dân số, lao động xã hội và công nhân, viên chức, để làm căn cứ xét duyệt cấp
phát và làm các báo cáo thống kê tổng hợp của tỉnh, thành phố theo đúng chế độ
báo cáo của Nhà nước (quyết định số 115-TCTK/PPCĐ).
- Các Sở, Ty Lao động chịu trách nhiệm hướng dẫn
và kiểm tra việc thực hiện những nguyên tắc, tiêu chuẩn xếp loại chức danh nghề
nghiệp theo đúng chính sách đã được Nhà nước quy định; thông qua đó mà nghiên cứu,
khai thác các vấn đề cần thiết phục vụ cho việc quản lý lao động và phục vụ việc
thực hiện điều lệnh nghĩa vụ lao động trong thời chiến (Vấn đề này đã được hướng
dẫn trong thông tư số 11/TT-LB ngày 11 tháng 9 năm 1972 của Liên Bộ Lao động –
Tổng cục thống kê).
- Các Cục, Sở, Ty Thương nghiệp có nhiệm vụ phối
hợp với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn kê khai, xét duyệt và có
nhiệm vụ chính về quản lý cấp phát tem phiếu, hướng dẫn sử dụng, thu hồi, thanh
toán tem phiếu và làm các báo cáo thống kê về nghiệp vụ quản lý tem phiếu theo
đúng chế độ báo cáo của Nhà nước (quyết định số 116/LB nói trên). Trước khi cấp
phát tem phiếu, cơ quan thương nghiệp phải kiểm tra, phát hiện những trường hợp
kê khai trùng, sót, không đúng tiêu chuẩn định lượng, không đúng chức danh nghề
nghiệp, qua đó kiến nghị với thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp và các ngành có
liên quan kiểm tra, xác minh lại và chỉ cấp phát tem phiếu sau khi đã được thẩm
tra, kết luận rõ ràng.
Chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành có khác nhau,
nhưng có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Các ngành phải phối hợp với nhau chặt
chẽ trong các bước tiến hành và dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban hành
chính tỉnh, thành phố.
Thông tư này có giá trị thực hiện kể từ ngày ký.
Quá trình chỉ đạo thực hiện nếu có điều gì cần thay đổi thì đều phải do Liên Bộ
quy định.
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiển
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Trần Quyết
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Chân Phương
|
K.T. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
TỔNG CỤC PHÓ
Lê Khánh
|