Thông tư 31-NT-1973 về việc kê khai, cấp phát, quản lý sử dụng, thu hồi tem phiếu mua hàng năm 1974 do Bộ Nội thương ban hành

Số hiệu 31-NT
Ngày ban hành 22/09/1973
Ngày có hiệu lực 07/10/1973
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội thương
Người ký Bùi Bảo Vân
Lĩnh vực Thương mại,Kế toán - Kiểm toán

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-NT

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 1973

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC KÊ KHAI, CẤP PHÁT, QUẢN LÝ SỬ DỤNG, THU HỒI TEM PHIẾU MUA HÀNG NĂM 1974.

Căn cứ vào khả năng hàng hóa ; dựa theo chủ trương về tiêu dùng và phân phối hiện nay; sau khi đã thảo luận và thống nhất ý kiến với các ngành có liên quan, Bộ hướng dẫn một số điểm cần thiết về việc kê khai, cấp phát, quản lý, sử dụng và thu hồi thanh toán tem phiếu mua hàng năm 1974 như sau:

I. VỀ KÊ KHAI VÀ CẤP PHÁT

1. Mẫu biểu kê khai:

 Mẫu biểu kê khai, căn cứ để kê khai, đối tượng kê khai , đơn vị kê khai và tổng hợp, thể thức xác nhận nhân khẩu và chức danh ngành nghề, thời gian các bước công tác, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện và phân công trách nhiệm giữa các ngành, vẫn theo Thông tư liên Bộ Nội thương – Công an- Lao động - Tổng cục Thống kê số 20/LB ngày 20-9-1972.

Ngoài ra, Bộ quy định rõ thêm việc kê khai và cấp phát tem , phiếu cho một số đối tượng mà hiện nay một số địa phương còn vướn mắc như sau:

a) Đối với công an cảnh sát:

Nghị quyết số 03-CP ngày 11-1-1967 của Hội đồng Chính phủ thì ngành công an thuộc về khu vực an ninh và quốc phòng và có quy định một số vấn đề có quan hệ đến việc cung cấp, phân phối hàng hoá cho ngành này . Theo đề nghị của Bộ Công an tại công văn số 705 tháng 6 năm 1967, nay Bộ quy định việc kê khai và cung cấp hàng hóa cho ngành công an nhu sau:

Ngành công an thuộc khu vực an ninh và quốc phòng nên thủ tục kê khai, dự trù cấp phát hàng hóa giống như quân đội. Các yêu cầu về kê khai để cung cấp hàng hóa của các cấp công an không phải lập danh sách và thuyết minh chi tiết, nhưng phải do cán bộ có thẩm quyền ký và chịu trách nhiệm. Ở Bộ thì do thủ trưởng Bộ hoặc Chánh Văn phòng, vụ trưởng hoặc phó vụ trưởng Vụ tài vụ vật tư được uỷ nhiệm ký ; ở khu sở, ty công an thì giám đốc, phó giám đốc, trưởng ty hoặc phó trưởng ty ký... ( công văn số 2610/NT-KH ngày 16-11-1967 của Bộ Nội thương ). Phần cấp phát cho công an cảnh sát quy định như sau:

- Phiếu vải:

­ Công an cảnh sát được cấp đồng phục . Hàng năm, Bộ Công an lập kế hoạch xin chỉ tiêu vải để may trang phục gửi Uỷ ban kế hoạch Nhà nước ( kể cả lụa cho nữ công an cảnh sát). Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch, mỗi năm ngành thương nghiệp chỉ cấp cho mỗi công an cảnh sát bằng 2.50m tem vải, không cấp phiếu vải loaị 5mét. Nếu cần thiết cấp vải loại 5 mét (nam hay nữ) cho đơn vị nào, bao nhiêu ở địa phương nào thì Bộ công an cần xin ý kiến Phủ Thủ tướng quyết định và trừ vào chi tiêu kế hoạch vải. lụa hàng năm đã cấp cho nhu cầu này của Bộ Công an.

Sau khi cấp phát tem vải, các Cục, Sở, Ty thương nghiệp phải xác nhận số lượng tem vải đã cấp cho công an cảnh sát ở từng địa phương để có chứng từ cho Bộ Công an làm căn cứ đối chiếu, cấp phát quân trang cho công an cảnh sát địa phương.

 - Phiếu thực phẩm , phiếu đường:

 Khác với quân đội và công an nhân dân vũ trang, lực lượng công an , cảnh sát sinh hoạt lẻ tẻ nên việc cấp phát phiếu thực phẩm, phiếu đường....theo bậc lương và theo chức dang nghề nghiệp (nếu có) như công nhân, viên chức khác.

 b) Đối với thương binh và con liệt sĩ , Bộ đã có nhiều văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, chế độ đối với đối tượng này, nhưng có nơi do cán bộ thay đổi , văn bản bị thất lạc nên việc chấp hành chế độ chưa được đầy đủ và thống nhất. Nay Bộ nhắc lại và hướng dẫn cụ thể thêm để các Cục, Sở, Ty thực hiện:

- Đối với thương binh , thương binh hạng nặng đặc biệt, hạng 1 (cũ) hạng 8,7,6,5 và một số thương binh hạng 4 (mới) có tỷ lệ thương tật 60% bệnh binh (cũ và mới) mất sức lao động từ 60% trở lên đã về sinh hoạt và sản xuất ở địa phương không có trong biên chế Nhà nước được cấp phiếu thịt loại E ( 0.500kg/tháng), phiếu đường loại D+ II (0,500kg/tháng), phiếu vải loại 5m/năm. Thương binh ở trại, khi về với gia đình vẫn đảm bảo cung cấp theo chế độ như khi còn ở trại ( theo công văn số 1944- NT/KH ngày 29-7-1969 của Bộ ).

Thương binh các hạng khác về địa phương được cấp phiếu đường loại E +III(0,350kg/tháng), phiếu vải loại 5m/năm.

Thương binh cụt chân có chân giả được cấp thêm mỗi người 2,20m tem vải/ năm .

- Đối với con liệt sĩ , con liệt sĩ không còn bố mẹ, hoặc mẹ đi lấy chồng để con lại cho người khác nuôi , hay cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể , hợp tác xã đỡ đầu nuôi dưỡng(trước đây gọi là con liệt sĩ không nơi nương tựa) ở nông thôn hay ở nội thành, nội thị xã đều được cấp phiếu vải 5m, phiếu thịt và phiếu đường theo tiêu chuẩn nhân dân nội thành , nội thị xã (tính theo độ tuổi)

Con liệt sĩ không thuộc các trường hợp nói trên (trước đây gọi là con liệt sĩ có nơi nương tựa) ở nông thôn thì được cấp phiếu đường theo tiêu chuẩn 0,100kg một tháng, phiếu vải cấp theo tiêu chuẩn nhân dân nơi cư trú.

Chế độ trên áp dụng cho con liệt sĩ dưới 8 tuổicòn đi học, hoặc bị tàng tật, mất sức lao động.

c) Đối với công nhân, viên chức về hưu hoặc thôi việc vì mất sức, nay Bộ nói rõ thêm như sau : công nhân viên chức về hưu trí hoặc thôi việc vì mất sức lao động được trợ cấp thường xuyên, khi đang công tác hoặc sản xuất được cấp tiêu chuẩn thực phẩm theo mức lương hoặc theo chức danh nghề nghiệp nào thì khi nghỉ về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động (mức lương để tính tỷ lệ trợ cấp) để tính tiêu chuẩn cấp phiếu mua hàng như cán bộ đang công tác.(Công văn số 3470/NT/KH ngày 9-10-1963 của Bộ).

Đối với cán bộ , bộ đội chuyên ngành và đồng bào miền Nam có công với cách mạng tập kết ra Bắc sau ngày hoà bình lập lại, nay đã già yếu được đi an dưỡng ở các trại hoặc về ở với gia đình, bà con quen thuộc mà được Nhà nước trợ cấp thường xuyên hàng tháng (không kể mức trợ cấp là bao nhiêu) đều được cấp phiếu mua hàng theo tiêu chuẩn công nhân viên chức loại E.

Các trường hợp khai thác thì vẫn cấp theo quy định cũ.

d)Đối với con công nhân, viên chức con công nhân viên chức mà cả bố và mẹ đều trong biên chế Nhà nước , hoặc mẹ là công nhân viên chức , bố là bộ đội, thanh niên xung phong tại ngũ hoặc đang đi học ở các trường đào tạo được cấp phiếu thịt và đóng phiếu đường theo tiêu chuẩn nhân dân nội thành, nội thị xã, phiếu cấp vải theo nơi đăng ký nhân khẩu thường trú.

Trường hợp bố ở nông thôn, mẹ là công nhân viên chức trong biên chế Nhà nước; con theo mẹ đăng ký nhân khẩu thường trú theo tập thể cơ quan ( nếu cơ quan đóng ở nông thôn) thì con vẫn được cấp tiêu chuẩn thịt, đường như nhân dân nội thành, nội thị xã.

e) Đối với học sinh, sinh viên, theo quy chế của Bộ Giáo dục, hiện nay có một số học sinh nội trú tại các trường sư phạm như :7+2, 7+3, ở một số tỉnh miền núi ;10+3 ở ở một số tỉnh đồng bằng và 10+1, 10+2 nếu đã được Bộ Giáo dục công nhận, thì số học sinh nội trú ở các trường này được cấp phiếu mua hàng theo tiêu chuẩn như học sinh ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

[...]