Khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ có phải nộp tiền sử dụng đất không?
Nội dung chính
Nguyên tắc cấp Sổ đỏ khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc cấp Sổ đỏ khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ như sau:
(1) Trường hợp không thay đổi so với ranh giới thửa đất
Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Sổ đỏ) đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, Sổ đỏ đã cấp, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Sổ đỏ, diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.
(2) Trường hợp có thay đổi so với ranh giới thửa đất
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc Sổ đỏ đã cấp và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc Sổ đỏ đã cấp thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn được xem xét cấp Sổ đỏ.
Như vậy, khi cấp Sổ đỏ trong trường hợp diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế và số liệu ghi trên giấy tờ, nguyên tắc cấp Sổ đỏ sẽ dựa vào hai tình huống.
Nếu không có thay đổi về ranh giới thửa đất và không có tranh chấp, diện tích đất sẽ được xác định theo số liệu đo đạc thực tế khi cấp hoặc cấp đổi Sổ đỏ.
Nếu có sự thay đổi về ranh giới thửa đất và diện tích thực tế lớn hơn diện tích ghi trên giấy tờ, phần diện tích chênh lệch sẽ được xem xét và cấp Sổ đỏ bổ sung.
Khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ có phải nộp tiền sử dụng đất không? (Hình từ Internet)
Khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ có phải nộp tiền sử dụng đất không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì đồi với trường hợp đo đạc lại mà diện tích thửa đất lớn hơn diện tích trên Sổ đỏ đã cấp, ranh giới thửa đất không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm cấp Sổ đỏ thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở tăng thêm nằm ngoài hạn mức đất ở theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp Sổ đỏ trước đây
Như vậy, khi diện tích đất tăng thêm giữa số liệu đo đạc thực tế và số liệu ghi trên Sổ đỏ, nếu ranh giới thửa đất không thay đổi và phần diện tích đất tăng thêm nằm ngoài hạn mức đất ở, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm đó.
Hạn mức giao đất ở được quy định thế nào?
(1) Đối với đất ở tại đô thị
Đất ở tại đô thị là đất để làm nhà ở và mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực đô thị. (khoản 1 Điều 195 Luật Đất đai 2024)
Căn cứ Điều 196 Luật Đất đai 2024 thì tùy vào quỹ đất và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị.
Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
(2) Đất ở tại nông thôn
Đất ở tại nông thôn là đất để làm nhà ở và mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Luật Đất đai 2024.
Căn cứ vào quỹ đất và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn.
Đất ở tại nông thôn phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.
(1), (2) => Theo đó, hạn mức giao đất ở được xác định tùy thuộc vào quỹ đất và tình hình thực tế của từng địa phương, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đối với đất ở tại đô thị, hạn mức giao đất phải đảm bảo tính đồng bộ với các công trình công cộng và yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Đối với đất ở tại nông thôn, hạn mức giao đất cần phù hợp với nhu cầu xây dựng các công trình công cộng, cải thiện đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường và thúc đẩy hiện đại hóa nông thôn.