Thông tư liên bộ 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP hướng dẫn chế độ quản lý, phân phối, sử dụng và cơ chế thu hồi vốn thuốc thiết yếu thuộc dự án Hỗ trợ y tế quốc gia và dự án Dân số - sức khoẻ gia đình do Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP
Ngày ban hành 15/08/1998
Ngày có hiệu lực 30/08/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Vật giá Chính phủ,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Lê Thị Băng Tâm,Lê Văn Tân,Phạm Mạnh Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP

Hà Nội , ngày 15 tháng 8 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ Y TẾ - BỘ TÀI CHÍNH - BAN VGCPSỐ 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, PHÂN PHỐI, SỬ DỤNG VÀ CƠ CHẾ THU HỒI VỐN THUỐC THIẾT YẾU THUỘC DỰ ÁN HỖ TRỢ Y TẾ QUỐC GIA VÀ DỰ ÁN DÂN SỐ - SỨC KHOẺ GIA ĐÌNH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 625/CP-QHQT ngày 6 tháng 6 năm 1998 về cơ chế thu hồi thuốc thiết yếu của hai dự án: Hỗ trợ Y tế quốc gia của Bộ Y tế và dự án Dân số - sức khoẻ gia đình của Uỷ ban quốc gia dân số và Kế hoạch hoá gia đình, liên Bộ: Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn chế độ quản lý, phân phối, sử dụng và cơ chế thu hồi vốn thuốc thiết yếu thuộc hai dự án nêu trên như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các nguồn vốn của dự án Hỗ trợ Y tế Quốc gia và Dự án Dân số - Sức khoẻ gia đình (gọi tắt là hai Dự án) giành để mua thuốc thiết yếu đều là nguồn Ngân sách Nhà nước cấp để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chiến lược dân số, kế hoạch hoá gia đình.

2. Thông tư này áp dụng cho việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc thiết yếu và cơ chế thu hồi vốn thuốc thiết yếu của hai Dự án nêu trên, nhằm mục tiêu duy trì quỹ thuốc, đảm bảo luôn đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và không nhằm mục đích sinh lợi nhuận.

3. Số thuốc thiết yếu được mua bằng vốn của hai Dự án phải được sử dụng đúng mục đích và quản lý theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

4. Thuốc thiết yếu được cấp tới mọi đối tượng dân cư thuộc các tỉnh của hai Dự án (có thu tiền hoặc không thu tiền) thông qua dịch vụ khám và chữa bệnh tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và trạm y tế xã (gọi tắt là cơ sở khám chữa bệnh). Nghiêm cấm các cơ sở khám chữa bệnh và các nhân viên y tế bán thuốc thiết yếu của Dự án dưới mọi hình thức.

5. Số vốn thu hồi được từ việc cung cấp thuốc có thu tiền của hai Dự án trên được để lại cho các cơ sở y tế thuộc phạm vi hai Dự án lập Quỹ quay vòng thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của cộng đồng. 6. Bộ Y tế và Uỷ ban quốc gia Dân số - Kế hoạch hoá gia đình có trách nhiệm cùng với UBND các tỉnh thuộc hai dự án kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng nội dung, đúng mục đích đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Quốc tế.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Xây dựng kế hoạch:

Căn cứ vào kế hoạch vốn vay hàng năm được Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng kế hoạch nguồn thuốc thiết yếu của hai dự án được tiến hành theo trình tự sau:

Ban quản lý hai dự án cấp tỉnh thống nhất với Sở Y tế lập kế hoạch dự trù thuốc thiết yếu của dự án cho từng cơ sở khám chữa bệnh gửi Ban quản trị dự án Trung ương để phê duyệt và tổng hợp (Nguồn của dự án Hỗ trợ y tế quốc gia gửi về Ban quản trị dự án Hỗ trợ y tế quốc gia Trung ương - Bộ Y tế; Nguồn của dự án Dân số - Sức khoẻ gia đình gửi về Ban quản trị dự án Dân số - Sức khoẻ gia đình Trung ương - Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình). Các ban quản trị dự án Trung ương có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch dự trù thuốc thiết yếu của các tỉnh thuộc Dự án và tính giá trị dựa trên kế hoạch vốn vay hàng năm được duyệt để trình cơ quan chủ quản. Bộ Y tế, UBQGDS - KHHGĐ tổng hợp kế hoạch của dự án đưa vào kế hoạch vốn vay trong năm của đơn vị để gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tổng hợp.

2. Cấp phát thuốc cho các cơ sở y tế

2.1. Việc bàn giao thuốc.

Sau khi thực hiện các thủ tục đấu thầu mua thuốc tại các Ban quản trị dự án Trung ương, hai dự án có trách nhiệm bàn giao số thuốc cho Sở Y tế thông qua hệ thống hậu cần của hai dự án để cung cấp thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh các tỉnh thuộc dự án theo số lượng đã được duyệt.

2.2. Ghi chép sổ sách, theo dõi, báo cáo:

Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các Trung tâm bảo vệ bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hoá gia đình và các Trạm y tế xã (gọi tắt là các cơ sở y tế) theo dõi riêng số thuốc được cấp từ hai dự án nói trên, hàng tháng, hàng quý báo cáo Sở Y tế số thuốc đã cấp và số vốn thu hồi từ nguồn thuốc thiết yếu theo biểu mẫu trong phụ lục kèm theo Thông tư này.

2.3. Xử lý thuốc chậm luân chuyển.

Đối với từng loại thuốc cụ thể, có thể chậm luân chuyển ở cơ sở khám chữa bệnh này nhưng lại luân chuyển nhanh ở cơ sở khám chữa bệnh khác. Để tránh tình trạng số thuốc chậm luân chuyển tồn kho lâu ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hạn dùng của thuốc, căn cứ vào các báo cáo tháng, quý của các cơ sở y tế, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thuộc dự án được quyền điều chuyển số thuốc chậm luân chuyển của dự án giữa các xã, phường trong quận, huyện, thị xã. Sở y tế các tỉnh của hai dự án được quyền điều chuyển thuốc chậm luân chuyển giữa các quận, huyện, thị xã trong tỉnh. Việc điều chuyển thuốc chậm luân chuyển dựa trên nguyên tắc bàn giao tài sản (thuốc và giá trị thành tiền). Bên giao ghi giảm vốn, bên nhận ghi tăng vốn. Phí vận chuyển do hai bên thoả thuận.

3. Phương thức cấp phát thuốc cho người bệnh và thu hồi tiền thuốc:

3.1. Phương thức cấp phát thuốc cho người bệnh:

Người bệnh (không phân biệt phải nộp tiền thuốc hay không phải nộp tiền thuốc, điều trị nội trú hay điều trị ngoại trú) đều được cấp phát thuốc thiết yếu theo chỉ định điều trị của bác sỹ hoặc y sỹ khám, điều trị.

3.2. Đối tượng được cấp thuốc thiết yếu không thu tiền bao gồm:

Các đối tượng được quy định tại điểm B phần II Thông tư Liên Bộ số 14/TTLB ngày 30/9/1995 của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động TBXH - Ban Vật giá Chính phủ "Hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí":

- Trẻ em dưới 6 tuổi.

- Người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh phong, bệnh lao phổi.

- Người bệnh ở các xã được Uỷ ban Dân tộc và miền núi công nhận là vùng cao.

[...]