Thông tư 76/TC-TCNH-1995 quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 76/TC-TCNH
Ngày ban hành 25/10/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/TC-TCNH

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 76-TC/TCNH NGÀY 25-10-1995 QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ HOA HỒNG BẢO HIỂM

Thực hiện Nghị định số 100-CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm, nhằm tằng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Bộ Tài chính quy định chế độ hoa hồng bảo hiểm như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm được phép hoạt động của Việt Nam.

2. Hoa hồng bảo hiểm là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người đã đem lại dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tái bảo hiểm cho mình.

- Hoa hồng bảo hiểm bao gồm:

+ Hoa hồng đại lý: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho đại lý bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng đại lý.

+ Hoa hồng cộng tác viên: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho tổ chức cộng tác viên bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng cộng tác viên.

+ Môi giới phí: là khoản tiền do doanh nghiệp bảo hiểm trả cho tổ chức môi giới bảo hiểm trên cơ sở thoả thuận giữa hai bên.

- Hoa hồng bảo hiểm còn bao gồm cả hoa hồng tái bảo hiểm là khoản tiền doanh nghiệp bảo hiểm trả cho doanh nghiệp bảo hiểm đã tái bảo hiểm cho mình trên cơ sở hợp đồng tái bảo hiểm.

3. Bộ Tài chính thống nhất quản lý tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm. Việc chi trả, hoạch toán hoa hồng bảo hiểm được thực hiện theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

4. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được chi trả hoa hồng bảo hiểm đúng đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm, phí tái bảo hiểm thực tế thu được.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm bao gồm:

a. Đại lý bảo hiểm: là những cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 19, Nghị định số 100-CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm tổ chức mạng lưới đại lý bảo hiểm của mình và đăng ký số lượng, danh sách đại lý với Bộ Tài chính theo quy định tại điểm 1, Mục II, Thông tư số 46-TC/CĐTC ngày 30-5-1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100-CP. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép chi trả hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý đã ký hợp đồng đại lý bảo hiểm.

b. Tổ chức cộng tác viên bảo hiểm: là một pháp nhân mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng cộng tác viên bảo hiểm.

c. Tổ chức môi giới bảo hiểm: là một pháp nhân đóng vai trò trung gian bảo hiểm giữa người có nhu cầu bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm để nhận được môi giới phí.

d. Doanh nghiệp bảo hiểm, trong trường hợp thu xếp hợp đồng tái bảo hiểm.

2. Không được trả hoa hồng bảo hiểm cho các đối tượng sau đây:

- Các tổ chức, cá nhân mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không được pháp luật cho phép hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

- Các tổ chức cá nhân trực tiếp mua bảo hiểm.

- Cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Mức chi hoa hồng bảo hiểm:

a. Mức chi hoa hồng bảo hiểm: thực hiện theo biểu tỷ lệ hoa hồng áp dụng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm. (Kèm theo Thông tư này)

Tỷ lệ hoa hồng quy định tại Thông tư này là tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi cho đại lý, tổ chức cộng tác viên bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (trong trường hợp thu xếp hợp đồng tái bảo hiểm) khi thực tế đã đem lại dịch vụ bảo hiểm.

Căn cứ vào thực tiễn kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm có thể điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm áp dụng giữa các dịch vụ bảo hiểm trong cùng một nghiệp vụ bảo hiểm nhưng không được điều chỉnh hoa hồng bảo hiểm giữa các nghiệp vụ bảo hiểm.

b. Mức chi hoa hồng tái bảo hiểm:

[...]