Thông tư 46/TC-CĐTC năm 1994 hướng dẫn thi hành Nghị định 100/CP-1993 về kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 46/TC-CĐTC
Ngày ban hành 30/05/1994
Ngày có hiệu lực 01/01/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/TC-CĐTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 46/TC-CĐTC NGÀY 30 THÁNG 5 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/CP NGÀY 18-12-1993 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Theo Điều 1 của Nghị định số 100/CP ngày 18-12-1993 của Chính phủ phạm vi áp dụng của Nghị định này là hoạt động bảo hiểm mang tính chất kinh doanh. Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định số 229/HĐBT ngày 15-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này.

2. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với người được bảo hiểm kể cả khi doanh nghiệp bảo hiểm đã tái bảo hiểm những rủi ro nhận bảo hiểm và các hợp đồng bảo hiểm do đại lý của mình thu xếp. Người được bảo hiểm có trách nhiệm trả phí bảo hiểm đầy đủ và đúng kỳ hạn, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi xảy ra trường hợp bảo hiểm.

3. Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm muốn tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm sau khi vẫn được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy phép đầu tư (nếu là tổ chức nước ngoài) theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước không được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam nếu không được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chưa được cấp đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư (nếu là tổ chức nước ngoài).

4. Trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức môi giới bảo hiểm phải tuân thủ các quy định về quản lý tài chính theo pháp luật hiện hành.

II. NỘI DUNG VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM

1. Nội dung và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/CP được ghi cụ thể trong giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm được cấp. Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký số lượng, danh sách đại lý của mình với Bộ Tài chính.

Việc thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải xin phép và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm được đầu tư vốn theo quy định của pháp luật hiện hành và theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Ngoài các quy định như đã nêu tại mục 1 trên, các đối tượng hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn phải đảm bảo thực hiện các quy định cụ thể dưới đây:

2.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm

- Phải trình và được Bộ Tài chính phê chuẩn:

+ Điều khoản, biểu phí bảo hiểm áp dụng cho loại nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc;

+ Điều khoản bảo hiểm đối với các nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến con người như bảo hiểm nhân thọ, y tế tự nguyện, tai nạn con người, bồi thường cho người lao động...

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phù hợp với khả năng thanh toán và phải luôn luôn chứng minh được có đủ khả năng thanh toán cho toàn bộ các hoạt động đó.

- Phải lập các khoản dự phòng nghiệp vụ đủ để thực hiện các cam kết với người được bảo hiểm.

Khả năng thanh toán và các khoản dự phòng nghiệp vụ được quy định chi tiết tại văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

- Thực hiện tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm khác trong nước trong trường hợp cần thiết.

- Khi tái bảo hiểm cho các tổ chức bảo hiểm ở nước ngoài thì phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm cho công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam theo mức quy định của Bộ Tài chính.

Công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam có trách nhiệm nhận tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm tối thiểu theo mức quy định của Bộ Tài chính.

Nếu xét thấy rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm không phù hợp với tập quán của thị trường bảo hiểm quốc tế về điều khoản, biểu phí... thì Công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ rủi ro bảo hiểm đó.

2.2. Đối với tổ chức môi giới bảo hiểm

- Phải thu xếp ký kết hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.

[...]