Thông tư 66-HĐBT-1984 hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 66-HĐBT |
Ngày ban hành | 20/04/1984 |
Ngày có hiệu lực | 05/05/1984 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Tố Hữu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66-HĐBT |
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1984 |
SỐ 66-HĐBT NGÀY 20-4-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN
Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ 5, thông qua ngày 30-6-1983. Ngày 16-2-1984 Hội đồng Nhà nước đã ban hành quy định tạm thời số 2-HĐNN về hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân. Căn cứ vào Điều 70 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp thi hành Luật nói trên như sau:
I- QUÁN TRIỆT TINH THẦN MỚI CỦA LUẬT TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN
Làm chủ bằng Nhà nước, nhân dân lao động ở địa phương trước tiên thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Hội đồng nhân dân. Nhưng hiện nay, nhiều nơi hoạt động của Hội đồng nhân dân còn hình thức, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức của Uỷ ban nhân dân đối với Hội đồng nhân dân chưa đầy đủ. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, các Nghị quyết khác của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước nói về Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp cần tổ chức nghiên cứu Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, quán triệt tinh thần mới của Luật về Hội đồng nhân dân. Dưới đây là những vấn đề mấu chốt cần nắm vững khi nghiên cứu và thực hiện.
1- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ta, không chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, mà còn chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên.
2- Hội đồng nhân dân căn cứ vào pháp luật, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình, không chỉ quyết định mà còn phải bảo đảm thực hiện các chủ trương, biện pháp để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng địa phương về mọi mặt và làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
3- Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.
4- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân về các mặt kinh tế, khoa học và kỹ thuật, văn hoá, xã hội và đời sống, an ninh và quốc phòng, pháp chế xã hội chủ nghĩa, tổ chức và cán bộ, ra nghị quyết và kiểm tra việc thi hành nghị quyết, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp dưới, giám sát công tác của Uỷ ban nhân dân, và nhiệm vụ, quyền hạn riêng biệt của Hội đồng nhân dân từng cấp.
5- Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và hiệu quả hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
6- Những bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
II- ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TRƯỚC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1- Tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải thi hành đúng như quy định của Hội đồng Nhà nước; phải đặc biệt coi trọng thi hành Điều 24 của Luật "những vấn đề nhất thiết phải được thảo luận và giải quyết trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân". Để cho nghị quyết của Hội đồng nhân dân thể hiện được quyền làm chủ tập thể của nhân dân ở địa phương và đúng pháp luật, chính sách của Nhà nước, Uỷ ban nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân chuẩn bị tốt các kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Các vấn đề đưa ra Hội đồng nhân dân thảo luận, quyết định phải được thông báo trước cho các đại biểu Hội đồng nhân dân, để các đại biểu có thì giờ nghiên cứu chuẩn bị ý kiến cho kỳ họp.
Uỷ ban nhân dân phải có kế hoạch cụ thể thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và các cá nhân phải thực hiện nghị quyết đó.
2- Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp có trách nhiệm xây dựng, củng cố, kiện toàn các Ban chuyên trách và Ban thư ký của Hội đồng nhân dân; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban này; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho các Ban và các đại biểu tham gia các Ban này tổ chức và hoạt động; đồng thời hướng dẫn cho các cơ quan, đoàn thể và nhân dân ở địa phương nhận rõ và thực hiện trách nhiệm của mình đối với sự hoạt động của các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân.
3- Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp có trách nhiệm tổ chức cho các đại biểu Hội đồng nhân dân nghiên cứu nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, hướng dẫn các đại biểu xác định rõ tư cách, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của mình trong kỳ họp cũng như giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân; bảo đảm cho các đại biểu đi sát cử tri, giải quyết tốt những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân, bảo đảm quyền chất vấn của đại biểu được thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh.
Ngoài phần trách nhiệm của mình, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, xã và tương đương thực hiện đầy đủ trách nhiệm như trên của từng cấp.
III- KIỆN TOÀN UỶ BAN NHÂN DÂN
Để Uỷ ban nhân dân thực hiện đúng chức năng là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và chức năng cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, phải kiện toàn Uỷ ban nhân dân có số lượng và khối lượng cần thiết:
1- Căn cứ vào tinh thần mới của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 6-2-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng lưu ý một điểm sau đây:
a) Luật đã quy định số lượng ít nhất và nhiều nhất của thành viên Uỷ ban nhân dân từng cấp. Địa phương nào chưa đủ số lượng thành viên Uỷ ban nhân dân như Luật định thì bầu bổ sung.
Thành viên Uỷ ban nhân dân, ngoài những tiêu chuẩn cán bộ chung của Đảng, phải là những người có năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội ở địa phương; chấp hành có hiệu quả nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và pháp luật, chính sách của Nhà nước; trong công tác, biết phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, và có ý thức tôn trọng sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương. Cần tăng cường thành phần công nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn chung, Uỷ ban nhân dân các cấp nhất thiết phải có thành viên là nữ. ở những nơi có dân tộc ít người phải có thành viên là người dân tộc ít người.
Thành viên Uỷ ban nhân dân phải là đại biểu của Hội đồng nhân dân như Điều 50 của Luật đã quy định.
b) Số Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân từng cấp quy định như sau:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có từ 3 đến 5 Phó Chủ tịch. Đối với tỉnh, thành phố có khối lượng công tác lớn có thể bầu 6 Phó Chủ tịch, do Uỷ ban nhân dân đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
- Uỷ ban nhân dân huyện có từ 2 đến 3 Phó Chủ tịch. Đối với huyện có khối lượng công tác lớn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có thể cho bầu 4 Phó Chủ tịch.
- Uỷ ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận có từ 2 đến 3 Phó Chủ tịch. Đối với thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận có khối lượng công tác lớn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có thể cho bầu 4 Phó Chủ tịch.
- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có một Phó Chủ tịch. Đối với xã, phường, thị trấn có khối lượng công tác lớn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có thể cho bầu 2 Phó Chủ tịch.