Thông tư 65/1999/TT-BTC thực hiện công khai tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 65/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 07/06/1999
Ngày có hiệu lực 22/06/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 65/1999/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG KHAI TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC 

Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành Qui chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/04/1999 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Qui chế công khai tài chính đối với ngân sách Nhà nước các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các doanh nghiệp Nhà nước và các quĩ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I. MỤC ĐÍCH CÔNG KHAI TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

- Thực hiện đúng đắn quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

- Thông báo cho các cơ quan quản lý của Nhà nước có căn cứ đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tăng cường quản lý doanh nghiệp.

- Là căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và quyết định việc đầu tư vào doanh nghiệp; các chủ nợ đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CÔNG KHAI TÀI CHÍNH

1. Công khai đối với Nhà nước:

- Hàng năm doanh nghiệp Nhà nước độc lập, doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập và phần hạch toán tập trung của Tổng công ty Nhà nước phải lập và gửi báo cáo tài chính cho cơ quan Nhà nước theo quy định hiện hành. Các Tổng công ty Nhà nước phải tổng hợp và gửi báo cáo tài chính toàn Tổng công ty cho cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước cùng cấp. Tổng cục Thuế và cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp.

- Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp Nhà nước không có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm giải trình các vấn đề tài chính theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý theo quy định của Chính phủ.

2. Công khai đối với tổ chức Đảng, đoàn thể và người lao động trong nội bộ doanh nghiệp:

Sau khi kết thúc quý, năm tài chính, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) có nghĩa vụ công khai một số tình hình tài chính và việc giải quyết quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp như sau:

a) Nội dung công khai:

+ Công khai tình hình tài sản, các khoản nợ phải trả, vốn nhà nước, các quĩ, các khoản doanh thu, tổng hợp chi phí sản xuất, kết quả kinh doanh, tình hình nộp ngân sách Nhà nước, nộp BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn, tình hình lao động và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp, các khoản cấp phát của Ngân sách Nhà nước theo mẫu biểu đính kèm.

+ Bản báo cáo giải trình (hoặc thuyết minh) tình hinh quản lý vốn, tài sản, quản lý doanh thu, chi phí, tinh hình thực hiện các chính sách chế độ tài chính, việc áp dụng các biện pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng tại doanh nghiệp. Đặc biệt là việc thực hiện các quyền lợi của người lao động như tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT và các phúc lợi khác.

Căn cứ vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh và đối tượng tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp Nhà nước không có Hội đồng quản trị) thoả thuận với Thường vụ Đảng uỷ, Ban chấp hành công đoàn những nội dung nào cần thông báo định kỳ đối với lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức Đảng, đoàn thể, các phòng ban trong doanh nghiệp, những nội dung nào cần thông báo đến các phân xưởng, tổ đội sản xuất và người lao động trong doanh nghiệp. Văn bản công bố công khai phải do Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp Nhà nước không có HĐQT) ký tên và đóng dấu.

b) Hình thức công khai:

Hội đồng quản trị, Giám đốc doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn lựa chọn hình thức công khai phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin, cụ thể:

- Đại hội công nhân viên chức (toàn thể hoặc đại biểu) tiến hành từ tổ (đội) sản xuất, phòng (ban), đến toàn doanh nghiệp.

- Thông báo trong các cuộc họp định kỳ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp.

- Phổ biến trong các cuộc họp doanh nghiệp ở phân xưởng, tổ (đội), phòng (ban) do chuyên môn tổ chức.

- Thông báo tại các cuộc họp của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội khác trong doanh nghiệp.

- Thông báo bằng văn bản hoặc ấn phẩm gửi đến từng tổ (đội) sản xuất, từng phân xưởng, phòng (ban), hoặc niêm yết công khai tại địa điểm thuận lợi trong doanh nghiệp.

- Thông báo qua hệ thống truyền thanh trong doanh nghiệp.

3. Công khai ra ngoài doanh nghiệp là để các nhà đầu tư, các khách hàng có căn cứ quyết định các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp:

Những nội dung cần công bố công khai với các nhà đầu tư và khách hàng là: Vốn điều lệ thực có tại thời điểm công khai, các khoản nợ phải trả, (trong đó nêu rõ khoản nợ quá hạn), cơ cấu tài sản và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm trả lời theo các yêu cầu khác tuỳ theo mỗi quan hệ với các chủ nợ và các nhà đầu tư.

Đối với những doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh không được phép công khai số liệu về tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

[...]